Ngăn chặn hậu quả khôn lường

Ngăn chặn hậu quả khôn lường

Dẹp “chợ đen” trong ngành y

LTS: Dư luận đang bàng hoàng, căm phẫn với hành vi vô nhân đạo của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội), khi phẫu thuật làm khách hàng tử vong rồi phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng.

Dù chưa có giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Sở Y tế Hà Nội, nhưng Thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Dù chưa có giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Sở Y tế Hà Nội, nhưng Thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng.

  • Phải xem trách nhiệm quản lý

Đây là câu chuyện hết sức đáng buồn về y đức. Phải nói rằng công tác quản lý có tốt bao nhiêu đi nữa mà đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp không có thì không thể chấp nhận được. Làm chết người rồi còn ném xác xuống sông thì đúng là thảm họa về y đức của thầy thuốc. Rõ ràng là phải kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở y tế tư nhân, các dịch vụ sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe... bởi đây là những dịch vụ có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người. Tôi cho rằng, Bộ Y tế cũng phải có chỉ đạo sát sao, không chỉ bằng văn bản, mà phải bằng hoạt động thanh tra, kiểm tra. Sau đó là Sở Y tế cũng phải tăng cường kiểm tra giám sát, chứ việc gì cũng đổ ngược lên cho Bộ Y tế cũng không đúng. Ngoài ra, chính quyền địa phương quản lý địa bàn cũng phải nắm được có bao nhiêu cơ sở khám bệnh, bao nhiêu cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp như vậy; hoạt động thực tế có đúng với giấy phép kinh doanh hay không...

Nhưng quan trọng nhất, đã đến lúc phải có tiếng chuông cảnh báo đến mọi người dân. Tôi thấy những quảng cáo về sử dụng thuốc tây, thực phẩm chức năng, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, các dịch vụ khác liên quan đến sức khỏe con người rất tràn lan, tùy tiện. Ngay trong công tác tuyên truyền quảng cáo cũng phải rà soát lại: Ai xác nhận cái quảng cáo này là đúng? Tôi không hiểu ai giám sát những thông tin quảng cáo tràn lan về thực phẩm chức năng, thuốc giảm béo, dịch vụ thẩm mỹ… Những quảng cáo trên truyền hình giờ vàng, trên báo chí... tác động rất lớn đến người dân, nhưng công tác quản lý dường như đang bị lãng quên. Nghĩa là ngay cả công tác quản lý nhà nước về thông tin, tuyên truyền cũng phải xem xét lại. Báo chí phải làm tốt hơn việc truyền tải đến người dân thông điệp: đi khám chữa bệnh phải đến địa chỉ tin cậy.

Bùi Sỹ Lợi
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

  • Tính mạng con người là trên hết

Lẽ ra phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân và phải đưa người này vào ngay bệnh viện, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm rất gần Bệnh viện Bạch Mai. Phải đặt tính mạng, quyền lợi của nạn nhân lên trên hết. Với một tấm biển tên, quảng cáo lớn như thế treo ngay trước thẩm mỹ viện thì nếu không được cấp phép, liệu cơ sở có dám trưng biển như thế không, làm sao cơ quan thanh kiểm tra bỏ qua được? Nhưng kể cả khi có phép thì cũng phải xem xét danh mục kỹ thuật họ được thực hiện. Ngay cả những bệnh viện lớn như Xanh Pôn, danh mục kỹ thuật được thực hiện cũng phải được thẩm định, kiểm tra đầy đủ, thường xuyên. Những kỹ thuật mới chưa được nêu trong danh mục cũng phải trình lên Sở Y tế xem xét phê duyệt trước khi thực hiện. Đó là cách để cơ quan quản lý kiểm tra điều kiện trang thiết bị máy móc, con người thực hiện có đảm bảo không.

ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi,
(Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

  • Bát nháo dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ

Thời gian gần đây, đã xảy ra không ít trường hợp cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trái phép gây tai biến nghiêm trọng cho khách hàng, thậm chí chết người. Nguyên nhân không chỉ do bác sĩ yếu kém về trình độ chuyên môn, cơ sở không đủ trang thiết bị phẫu thuật, mà còn do thiếu y đức. Giữa năm 2013, dư luận đã xôn xao về việc bác sĩ của một cơ sở thẩm mỹ chui trên đường Thành Thái (quận 10, TPHCM) dùng phương pháp khoét lỗ trên bụng để giảm cân cho phụ nữ có nhu cầu làm đẹp. Sau đó, Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra phát hiện loại thuốc bác sĩ cơ sở thẩm mỹ này cho khách hàng giảm cân đều là axít loại nhẹ. Hậu quả, nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng cho bác sĩ dỏm để rồi bị rạn da, mất hết sắc tố vùng da bụng, tổn hại sức khỏe.

Thực tế tại TPHCM, có một số điểm xưng là trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ nhưng chẳng khác nào phòng khám tạm. Chưa kể, đội ngũ nhân viên mặc áo blouse trắng tư vấn vừa thiếu kiến thức chuyên môn lại vừa ẩu. Có nơi những người xưng là “bác sĩ phụ” thực chất là những nhân viên tập sự, không có chuyên môn nghiệp vụ. Người tới làm đẹp ở những nơi này chẳng khác gì chuột bạch, bị thí nghiệm đủ thứ trên cơ thể với những loại thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc. Nếu xảy ra rủi ro thì khách hàng phải hoàn toàn gánh chịu.

NGÂN HẠNH (Quận 10, TPHCM)

  • Kiểm tra chặt hoạt động y tế tư nhân

Lâu nay, dư luận vẫn bức xúc mỗi khi nhắc đến tình trạng suy thoái đạo đức diễn ra trong ngành y, như bác sĩ ăn hoa hồng kê đơn thuốc giúp tiêu thụ thuốc cho hãng dược, nhận phong bì của người bệnh, chiêu dụ bệnh nhân về phòng mạch tư… Nhiều đời Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, trả lời cử tri, cam kết chấn chỉnh sự xuống cấp trong đạo đức ngành y, ngăn chặn tiêu cực, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, chuyển biến chưa rõ.

Thực tế cho thấy, vẫn còn một kẽ hở quá lớn trong việc quản lý dịch vụ y tế tư nhân, đã có nhiều tai nạn xảy ra khiến không ít người bị tổn hại sức khỏe, thậm chí tử vong. Thế nhưng, vì sao tình trạng quản lý lỏng lẻo vẫn cứ tiếp diễn? Thẩm mỹ viện Cát Tường là một bằng chứng: Được cấp giấy đăng ký kinh doanh, chưa có giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Sở Y tế Hà Nội, mà vẫn có thể mở cửa hoạt động, quảng cáo rầm rộ.

Gần đây, Thanh tra y tế TPHCM đã kiểm tra xử lý nhiều phòng khám tư nhân không phép, sai phép, có yếu tố nước ngoài và thực hiện nhiều dịch vụ chuyên sâu, ngoài phạm vi cho phép. Dẹp “chợ đen” trong ngành y là việc cần quan tâm, để người bệnh không bị sa chân mắc bẫy, tiền mất tật mang.

TRANG NGỌC (Quận 1, TPHCM)

- Vụ bác sĩ phi tang xác khách hàng xuống sông: Gây án xong vẫn đi làm


Trách nhiệm xói mòn, y đức hoen ố

Sự việc bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền tại Thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong, sau đó dã tâm đem phi tang xác nạn nhân cũng là khách hàng của mình xuống sông Hồng đã khiến dư luận cả nước rúng động và phẫn nộ. Vụ việc đã vượt qua mức tưởng tượng của mọi người khi một bác sĩ đã có hơn chục năm trong nghề nhưng lại hành động vô cùng mất nhân tính. Đành rằng trong nghề y tai nạn, rủi ro xảy ra là điều không y bác sĩ nào mong muốn, nhưng với hành động phi tang xác nạn nhân của bác sĩ Tường sau một ca tai biến thì quả thật đáng xấu hổ đối với giới y khoa cả nước.

Đáng trách hơn, sau sự việc “trời không dung, đất không tha” trên, đại diện của Sở Y tế Hà Nội đã trả lời ráo hoảnh rằng, Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động “chui” vì chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Còn đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nơi quản lý bác sĩ Tường thì cho rằng không hề biết vị “đao phủ” này đã mở và làm việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Quả thật, cách trả lời của Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai là nhằm trốn tránh và phủi hết trách nhiệm trong vụ việc này, khiến dư luận càng thêm bức xúc. Không thể nói rằng, một Thẩm mỹ viện Cát Tường hoành tráng nằm ngay đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai, hoạt động suốt nửa năm qua trên một con phố lớn, với vô số quảng cáo rùm beng nhưng những người có trách nhiệm ở Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai lại… không hề hay biết?

Sâu xa và đau xót hơn, vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường được xem là đỉnh điểm của tình trạng y đức xuống cấp bấy lâu nay và vấn nạn tiêu cực trong y tế. Bởi lẽ trong suốt thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2013 tới nay, hàng loạt vụ việc bức xúc, tiêu cực trong lĩnh vực y tế đã liên tiếp xảy ra. Từ việc nhiều trẻ sơ sinh tử vong sau tai biến vaccine, tiêm vaccine quá hạn sử dụng cho trẻ, ăn bớt vaccine của trẻ, tiếp đó là vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức, tai biến sản khoa gây chết cả mẹ lẫn con tại nhiều bệnh viện, cho tới nhiều tiêu cực tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM bị phanh phui. Rõ ràng các vụ việc tiêu cực trong ngành y tế cứ liên tiếp xảy ra, vụ sau càng nghiêm trọng và nặng nề hơn vụ trước cho thấy y đức đang ngày bị xói mòn. Nguyên nhân sâu xa là những người có trách nhiệm trong ngành y tế đã buông lỏng công tác quản lý, giáo dục cán bộ, y bác sĩ và quản lý hoạt động khám chữa bệnh một cách hiệu quả.

Ngay sau vụ việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù đang công tác ở nước ngoài nhưng đã chỉ đạo cho cấp dưới của mình họp gấp để tìm hướng giải quyết vụ việc ầm ĩ này và bày tỏ quan điểm và thái độ của Bộ Y tế là rất bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sĩ Tường và chia sẻ nỗi đau thương mất mát của gia đình nạn nhân. Thậm chí, một số thông tin sau cuộc họp còn cho biết, Bộ Y tế đã lên tiếng xin lỗi nhân dân nhưng thực tế hoàn toàn chưa có một lời xin lỗi nào được đưa ra từ những người có vị trí cao trong ngành y tế. Mà nếu có một lời xin lỗi được đưa ra, dư luận và người dân cũng chưa chắc đã cần và cảm thấy yên lòng. Bởi lẽ điều quan trọng người dân cần lúc này chính là sự dũng cảm nhận trách nhiệm của ngành y tế và việc làm gì để lấy lại lòng tin của người dân.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục