Vi phạm được kéo giảm
Theo UBND huyện Hóc Môn, từ tháng 7-2018 đến tháng 5-2019, huyện đã cấp 4.117 giấy phép xây dựng; trong đó, 2.150 công trình đã khởi công xây dựng. Qua công tác kiểm tra, đã xử lý 108 vụ vi phạm (giảm 20 vụ so với cùng kỳ). Theo đó, có 52 vụ xây dựng sai phép (tỷ lệ giảm 49,52%); nhưng xây dựng không phép lại tăng 31 vụ (tỷ lệ tăng 134,78%).
Điển hình là vụ xây dựng 2 kho xưởng ở xã Xuân Thới Sơn; vụ xây nhà sai phép 11 căn tại xã Xuân Thới Thượng và gần đây nhất là vụ xây 7 căn nhà vừa bê tông, vừa gỗ ở xã Tân Hiệp. Một số vụ vi phạm đất đai diễn ra dưới hình thức mới, có tính lừa đảo tại xã Nhị Bình, Đông Thạnh được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xử lý theo pháp luật.
Huyện Hóc Môn cũng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn được ngay từ đầu 95 công trình; ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ 8 vụ và vận động 21 trường hợp vi phạm chấp hành tự tháo dỡ. Đối với việc xử lý các công trình tồn, huyện đã xử lý xong 139/184 công trình giai đoạn 2015-2018, hiện nay đang tiếp tục xử lý 45 công trình (bao gồm các năm 2017, 2018 và bổ sung thêm năm 2019).
Tại huyện Củ Chi, trong 2 năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã cấp 11.576 giấy phép xây dựng. Trong đó, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ 8.423 trường hợp; có 85 giấy phép xây dựng không phải nhà ở riêng lẻ; cấp giấy phép xây dựng có thời hạn 2.154 trường hợp.
Nếu như năm 2017, các cơ quan chức năng huyện Củ Chi phát hiện 334 trường hợp vi phạm xây dựng không phép, thì đến năm 2018 số vụ sai phạm giảm còn 105 trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện 21 trường hợp. Trong số 460 công trình xây dựng không phép, sai phép từ năm 2017 bị phát hiện, đến nay huyện đã cưỡng chế tháo dỡ 187 trường hợp; có 123 trường hợp tự tháo dỡ; 144 trường hợp phù hợp quy hoạch nên được chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng; số còn lại sẽ được huyện tiếp tục xử lý.
Chỉ rõ những khó khăn, tồn tại nêu trên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn Lê Thanh Phong cho biết, đó là tình trạng xây dựng nhà ở riêng lẻ diện tích lớn nhưng sử dụng sai công năng theo giấy phép, “biến” thành nhà kho, nhà xưởng; việc cho phép xây dựng nhà nhiều căn liền kề… không đảm bảo kết nối hạ tầng, môi trường, dẫn đến tình trạng mua bán bằng hình thức giấy tay hoặc vi bằng. Việc này ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch và cản trở phát triển bền vững của huyện.
Không để xây dựng “lung tung” trên đất nông nghiệp
Để kéo giảm số vụ vi phạm, ngăn chặn vấn nạn xây dựng sai phép và không phép, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng, khẳng định, huyện sẽ ban hành quy trình phối hợp kiểm tra xử lý các công trình đất đai, xây dựng trên địa bàn. Theo đó, các trường hợp vi phạm khi bị phát hiện phải áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, xử lý kể cả đối với công trình xây dựng sai phép thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Xây dựng. Trường hợp thực hiện không đúng quy trình, để phát sinh công trình vi phạm thì xử lý nghiêm đối với cán bộ, lãnh đạo có liên quan. Trong quý 3, 4-2019, huyện công khai kết quả xử lý sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và phần mềm “Hóc Môn trực tuyến”.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng cho biết, Thường trực UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý ngay từ khi công trình bắt đầu khởi công để hạn chế những thiệt hại cho người dân. Huyện cũng tiến hành kiểm tra đột xuất và thường xuyên, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Phát hiện kịp thời những sai sót, chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang chia sẻ: Mỗi đêm thức dậy, trên địa bàn thành phố có hơn 8 trường hợp vi phạm về xây dựng. Đây vẫn là con số chưa thống kê đầy đủ. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, cứ 5 năm thành phố lại có thêm 1 triệu lao động, vừa là động lực cho thành phố vừa là trách nhiệm của thành phố trong việc chăm lo cho người nhập cư.
Mặt khác, đồng chí Trần Lưu Quang cũng chỉ ra, chính sự chênh lệch địa tô, giá đất lên nhanh trong thời gian qua dẫn tới việc mua đi bán lại đất, nhà, lan từ khu vực trung tâm ra các địa bàn vùng ven, trong đó có huyện Củ Chi. “Đây là vấn đề đáng lo ngại ở huyện Củ Chi, do sự quan tâm chưa đúng mức công việc đảm bảo trật tự xây dựng đô thị. Nếu quản lý không tốt thì đất Củ Chi sẽ nát hết, việc xây dựng lung tung trên đất nông nghiệp sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, từ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho đến vấn đề nghiêm trọng là suy giảm niềm tin của người dân”, đồng chí Trần Lưu Quang lo lắng.
Từ đó, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo UBND huyện Củ Chi phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và triển khai có hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Bởi theo đồng chí Trần Lưu Quang, chỉ cần lơ là sẽ không thành công và phải có mục tiêu định lượng cụ thể, đồng thời xác định trách nhiệm cá nhân.
Hành động để dân tin |