Ngành dệt may: Bao giờ thoát “phận làm công”?

Chưa bao giờ lợi thế của dệt may Việt Nam được đề cập nhiều trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU. Việt Nam đã kỳ vọng rất lớn trong việc mở rộng thị phần, gia tăng xuất khẩu (XK) vào 2 thị trường Mỹ, EU. Đó là con đường tất yếu, thế nhưng chúng ta mới nhìn về một phía, thực tế, năng lực “lõi” của ngành dệt may trong nước có đáp ứng được sự kỳ vọng này?
Ngành dệt may: Bao giờ thoát “phận làm công”?

Chưa bao giờ lợi thế của dệt may Việt Nam được đề cập nhiều trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU. Việt Nam đã kỳ vọng rất lớn trong việc mở rộng thị phần, gia tăng xuất khẩu (XK) vào 2 thị trường Mỹ, EU. Đó là con đường tất yếu, thế nhưng chúng ta mới nhìn về một phía, thực tế, năng lực “lõi” của ngành dệt may trong nước có đáp ứng được sự kỳ vọng này?

Lợi đường xuất

Việt Nam (VN) là một trong những nước XK hàng dệt may hàng đầu thế giới, thế nhưng tại 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn là Mỹ và EU, kim ngạch XK vẫn còn quá ít. EU - thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu, với kim ngạch nhập khẩu khoảng 250 tỷ USD năm 2012 nhưng VN mới XK được 2,65 tỷ USD trong năm 2012; Mỹ tiêu thụ khoảng 100 tỷ USD/năm nhưng dệt may VN mới XK được 7,6 tỷ USD.

Ngành dệt may: Bao giờ thoát “phận làm công”? ảnh 1

Sản xuất quần jean xuất khẩu sang Mỹ tại Xí nghiệp May Tân Phú - Công ty May Gia Định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký - Trưởng Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), chia sẻ, nếu FTA Việt Nam - EU có hiệu lực thì có ít nhất 90% hàng hóa VN XK vào EU sẽ hưởng mức thuế 0%. Hiện nay, mức thuế hàng dệt may vào EU phải chịu mức bình quân là 11,7%. Ở TPP, mức thuế bình quân ở thị trường Mỹ là 17,5%. Thuế suất hàng dệt may VN vào Mỹ, EU sẽ giảm còn 0% hoặc ở mức rất thấp khi các cam kết thương mại trên được thực hiện thì rõ ràng sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho dệt may VN khi XK vào 2 thị trường này. Nhìn về một phía xuất khẩu thì chúng ta nhìn rất rõ lợi thế này.

Tuy nhiên, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, năng lực cung ứng nguyên phụ liệu trong nước lại là một bước cản lớn để dệt may VN có thể bứt phá như kỳ vọng! Hiện nay, qua các cuộc đàm phán trong TPP, Mỹ đưa ra yêu cầu xuất xứ công đoạn từ sợi trở đi. VN đang đàm phán tạo “vùng đệm” tạm thời chưa áp dụng ngay quy tắc khi có hiệu lực, trong khoảng 2-3 năm sau mới tính đến quy tắc này. Nghĩa là cho VN thêm thời gian để đầu tư nguồn nguyên liệu trong nước, đáp ứng đúng yêu cầu, vì nếu vẫn dùng 70% nguyên liệu nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc như hiện nay thì dệt may vẫn không được thuế suất 0% khi XK vào Mỹ.

Lo sân nhà

Các hiệp định thương mại nêu trên vẫn trong quá trình đàm phán nhưng nếu đạt được thỏa thuận giữa các bên thì nó nhanh chóng có hiệu lực và mốc thời gian năm 2015 được nhìn nhận là thời điểm để bắt đầu triển khai. Vui mừng cho XK dệt may trong thời gian tới nhưng DN dệt may trong nước không khỏi lo lắng cho tình hình thực tại. Dường như có nghịch lý đang xảy ra với ngành dệt may! Chúng ta kỳ vọng, đặt nhiều mục tiêu cho XK trong các hiệp định thương mại nhưng vẫn chưa có một động thái đầu tư trong nước, chuẩn bị đón nhận thời cơ này. Trong khi thời gian chuẩn bị không còn nhiều.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, lo lắng, một thách thức lớn trong nội bộ ngành dệt may là sẽ có một sự cạnh tranh quyết liệt trong cung cấp nguyên phụ liệu. Nhu cầu XK tăng nhưng nguồn cung nguyên liệu chưa đủ thì lấy đâu ra đủ nguồn cung, điều này sẽ làm đẩy giá nguyên liệu lên cao. Cầu cao do thuế suất giảm, DN may đi tìm nhà cung cấp nguyên liệu. Đây sẽ là cơ hội cho ngành dệt trong nước nhưng để đầu tư một nhà máy dệt cần chi phí cao và quan trọng là khâu xử lý nước thải.

Trong khi đó, Chính phủ, Bộ Công thương vẫn chưa có hướng đi nào cho vấn đề này, hoặc có thì phản ứng quá chậm. Nếu đã xem dệt may là một ngành XK mũi nhọn, có thế mạnh được mang ra “cân đo đong đếm” trong các cuộc đàm phán thì VN phải có quy hoạch, chính sách thúc đẩy ngành dệt. Có vậy thì mới thụ hưởng được lâu dài, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh, nâng giá trị XK. Chủ động được nguồn nguyên liệu thì chúng ta mới thật sự thoát ra được “phận làm công”. Vì ngay cả sản xuất FOB (mua đứt, bán đoạn) hiện nay của DN dệt may VN cũng chỉ là “gia công giá cao” vì nhà nhập khẩu chỉ định nhập nguyên liệu, ngoài giá gia công thì DN có thêm mức lời từ vải, được hưởng mức chênh lệch định mức nguyên liệu nhà nhập khẩu cung cấp. Nếu như nội lực chuẩn bị trong nước vẫn còn là câu hỏi lớn như hiện nay thì việc được hưởng thuế suất 0% khó thực hiện.

Trong khi đó, theo cam kết mở cửa, điều gì sẽ xảy ra cho thị trường nội địa khi hàng loạt hiệp định thương mại có hiệu lực, hàng giá rẻ sẽ tràn vào VN? FTA ASEAN - Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ năm 2015, hàng may mặc các nước ASEAN, Trung Quốc sẽ vào VN - thị trường 100 triệu dân (2015) bằng con đường chính thống với thuế suất 0%. Ngay cả FTA VN - EU hay TPP, hàng hiệu cao cấp vào VN sẽ không còn quá đắt vì thuế và thuận lợi hơn khi vào nơi không có đối thủ cạnh tranh. Người tiêu dùng trong nước sẽ được lợi.

Tuy nhiên, DN may mặc trong nước vừa bị cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ ngay tại sân nhà, trong khi đó sân khách lại không mấy khả quan vì chưa đáp ứng được yêu cầu xuất xứ! Trong bài toán “thả con tép, bắt con tôm” dệt may VN khó đạt được mức cân bằng này. Mở cửa, không thu thuế hàng nước ngoài vào VN, bù lại sẽ được hưởng thuế 0% khi XK vào Mỹ, EU… Nhưng với những gì mà ngành công nghiệp phụ trợ đang có, chúng ta lo lắng hơn là kỳ vọng!

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục