Ngày hội lớn của các dân tộc Tây Nguyên

Ngày hội lớn của các dân tộc Tây Nguyên

TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) những ngày qua náo nức, nhộn nhịp hẳn lên với cờ hoa, băng rôn cổ động cho Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Trên các tuyến phố chính của TP tràn ngập sắc màu các bộ trang phục mà hàng ngàn đồng bào của hơn 40 dân tộc anh em từ khắp các buôn làng của Tây Nguyên đổ về.

Ngày hội lớn của các dân tộc Tây Nguyên ảnh 1

NSND Y Brơn – người được giao trọng trách tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật trong đêm hội đón nhận Bằng công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” - bận rộn hơn bao giờ hết, vì như ông nói: Đây là một hoạt động văn hóa – nghệ thuật mang sắc thái của nhiều dân tộc lớn nhất từ trước đến nay ở Tây Nguyên.

Để dàn dựng các tiết mục, ông đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian để tìm hiểu từng tiết tấu, điệu múa, trang phục và cả ngôn ngữ của các dân tộc. Ông bảo: “Cũng là cồng chiêng, nhưng âm điệu, tiết tấu và động tác múa của người Ê Đê lại khác với người Gia Rai và cũng khác cả với người Mnông, người Giẻ Triêng, người Brâu… phải dựng làm sao cho vừa giữ được nét riêng của từng dân tộc, vừa làm cho các tiết mục hòa được vào tổng thể chung, toát lên tinh thần chung của cả đêm hội…”.

Trong suốt các buổi tập và trong đêm hội chính, “người mẫu” được các phóng viên ảnh “săn” nhiều nhất là bé Đinh Thương, 7 tuổi. Bé Thương là con trai của anh H’Ngát, thành viên đội cồng chiêng xã Kông Lơng Khơng đến từ Đắc Lắc. Bé theo bố trong suốt các buổi tập và rất thích cầm cái chiêng con lên gõ.

Anh H’Ngát cười: “Bảo nó ở nhà với mẹ mà cứ khóc đòi theo. Lên đến thành phố rồi lại không chịu ở khách sạn mà cứ đòi ra đây đánh chiêng với bố. Nó bé tí mà đã cầm nổi cái chiêng con rồi. Đợi nó lớn một tí, mình sẽ dạy nó đánh chiêng thôi.” Còn với chị H’riu và các thành viên trong đội cồng chiêng nữ người dân tộc Ê Đê – Bih ở buôn Trấp, huyện Krông Ana (tỉnh Đắc Lắc) được đi dự đại hội lần này là một vinh dự rất lớn, vì không chỉ là dịp đem tiếng chiêng Jô duy nhất ở Tây Nguyên đến với khắp miền của đất nước, mà còn được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều nền văn hóa khác của các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Tây Nguyên.

Gặp chị trong đêm hội, chị hồ hởi: “Vui quá! Bọn mình được nhiều người chụp ảnh lắm. Mọi người cứ bảo bọn mình đánh chiêng rồi bấm máy tanh tách. Thế là hình ảnh điệu múa, tiếng cồng buôn Trấp sẽ được nhiều người biết đến. Qua đây, mình như hiểu biết được văn hóa và nghệ thuật của các dân tộc anh em – đều chung một nhà cả thôi!”.

Trên các đường phố của TP Pleiku những ngày qua xuất hiện từng đoàn nam – nữ thanh niên sặc sỡ với các bộ trang phục của dân tộc mình. Già làng Y Dơ Lah ở xã Knát, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) bảo: “Nếu không có những lễ hội như thế này, lũ trai gái làng mình nó sẽ bỏ hết các tập tục của cha ông để lại mất thôi”.

Còn Y Bơ, chàng trai của buôn Pốc, xã Ea pốk, huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắc Lắc), tự hào nói: “Được tham dự các hoạt động lễ hội tại đại hội, mình thấy vui và phấn khởi lắm. Từ nay, thế hệ trẻ như mình sẽ lại có được nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, được hiểu biết cuộc sống và phong tục của nhiều đồng bào mình cùng sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên”. 

Tin cùng chuyên mục