Ngày 19-12, 538 đại cử tri từ các tiểu bang của Mỹ nhóm họp để chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Thông thường, đây được xem là thủ tục. Tuy nhiên, những tuyên bố của một số đại cử tri cho rằng họ sẽ chấp nhận bị phạt tiền để bỏ phiếu trái với kết quả bầu cử ngày 8-11 khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến cuộc bỏ phiếu này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến đi vòng quanh nước Mỹ mừng chiến thắng ở bang Alabama
Khó có thể đảo ngược kết quả
Theo kết quả bầu cử ngày 8-11, ông Donald Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton với số phiếu đại cử tri là 306 - 232. Các đại cử tri phải dựa trên phiếu phổ thông của mỗi bang để bỏ phiếu trong ngày 19-12 đúng với số phiếu này. Tuy nhiên, một nhóm các cử tri đoàn mang tên Hamilton cho biết họ hy vọng sẽ đảo ngược kết quả. Phong trào này do 2 đại cử tri Dân chủ khởi xướng đang hy vọng sẽ thuyết phục được 38 đại cử tri đảng Cộng hòa thay đổi phiếu bầu của họ cho ông Trump. Hiện nay, bà Clinton có 232 phiếu đại cử tri, có nghĩa là bà cần thêm ít nhất 38 phiếu đại cử tri để đạt đủ 270 phiếu đại cử tri trở thành tổng thống. Trong trường hợp chỉ có 37 đại cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho bà Clinton thì khi đó số phiếu của ông Trump và bà Clinton đều là 269. Khi đó, Hạ viện sẽ bầu nhưng với đa số Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, họ vẫn bầu cho ông Trump. Vì vậy, phía đảng Dân chủ đang vận động 38 đại cử tri phía đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho bà Clinton. Lawrence Lessig, một giáo sư luật Đại học Harvard tin tưởng ít nhất 20 đại cử tri đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton. Ông Lessig, chuyên tư vấn về quyền lợi hợp pháp của cử tri, cũng tin con số có thể lên đến 30. Hơn 10.000 người Mỹ đang tụ tập tại Wasghinton D.C. đốt nến cầu nguyện yêu cầu các đại cử tri “bỏ phiếu vì lương tâm” chống lại ông Donald Trump.
Nhưng theo các nhà phân tích, làn sóng chống ông Trump đã hạ nhiệt nhiều so với các cuộc biểu tình rầm rộ sau ngày bầu cử 8-11. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên các đại cử tri đảng Cộng hòa đòi bỏ phiếu ngược với kết quả ngày 8-11. Theo kết quả cuộc khảo sát của hãng thông tấn AP hồi đầu tuần qua, 330 đại cử tri từ đảng Cộng hòa cho biết họ không có ý định “nổi dậy” trong nghi thức bỏ phiếu cuối cùng của mùa bầu cử.
Ông Trump đang thu phục “lá phiếu” niềm tin
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 18-12 cũng đã kết thúc chuyến đi vòng quanh nước Mỹ mừng chiến thắng. Chặng dừng chân cuối cùng là ở Mobile, bang Alabama cũng không nằm ngoài lời hứa sẽ tập trung vào từ: “Việc làm, việc làm, và việc làm”. Theo AP, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ quay trở lại ngày xưa. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động của Mỹ hơn bao giờ hết. Người lao động Mỹ sẽ không bao giờ bị lãng quên một lần nữa”. Ông Trump cũng cam kết nâng cao thu nhập và không quên lặp lại lời hứa trừng phạt các công ty đưa việc làm ra khỏi nước Mỹ; hứa sẽ giảm thuế đối với các doanh nghiệp; cam kết ngăn chặn “những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan” vào Mỹ, xây bức tường dọc biên giới với Mexico nhưng có cửa để mọi người qua lại hợp pháp. Ông Trump cam kết bảo vệ quyền sở hữu súng và bảo vệ tự do tôn giáo, cắt giảm chương trình trợ cấp Obamacare. Ông Trump nói: “Đừng bao giờ ngừng mơ ước... Chúng tôi sẽ làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, giàu có, an toàn, và vĩ đại hơn nữa”.
Trong khi đó, nam diễn viên và cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger tuần qua đã xuất hiện trên truyền hình NBC kêu gọi tất cả người Mỹ ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Schwarzenegger thừa nhận đòi hỏi 100 % người dân ủng hộ tổng thống sẽ là không tưởng nhưng ông cho rằng ông Trump đang cần nhiều càng nhiều người ủng hộ càng tốt để đưa nước Mỹ tiến về phía trước.
KHÁNH MINH (tổng hợp)
>> Bầu cử Mỹ 2016: Bà H.Clinton vượt xa ông D.Trump về số phiếu phổ thông