Báo chí là một nghề đặc biệt – phát hiện và truyền tin chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu được thông tin của người dân (nhu cầu được thông tin cái gì mới đã, đang, sẽ xảy ra), nhu cầu được thông báo về con người và sự kiện xã hội.
Nghề báo là nghề có đặc điểm riêng, vừa khốn khó, hiểm nguy nhưng có sứ mệnh lớn trước nhân dân. Khốn khó bởi sự thu hút tâm trí để làm ra sản phẩm báo chí và bởi nghề báo như gắn với toàn bộ cuộc sống, với thời cuộc. Nghề báo cũng có lúc hiểm nguy như các phóng viên chiến trường, các phóng viên đang lao vào cuộc chiến chống tiêu cực… Người làm báo cách mạng chính là người xung kích trên mặt trận tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, chỉ đạo, đối thoại, thuyết phục, tổ chức… Theo Mác, báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ… Và theo Bác Hồ, trước khi viết cần trả lời 4 câu hỏi: viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào.
Yêu cầu đặt ra cho nhà báo khá toàn diện, từ kiến thức chung, văn hóa nền đến các lĩnh vực khoa học chuyên sâu. Nhà báo như bao gồm 4 nhà: hoạt động xã hội, chính trị, khoa học, người có khả năng diễn đạt. Để thành nhà báo đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, có đạo đức lý tưởng nghề nghiệp, trọng lẽ phải, trung thực, trách nhiệm… Có lẽ không ai sinh ra đã là một nhà báo, muốn thành nhà báo phải học, phải rèn cả đời.
Trong thực tế, báo chí đã bám sát các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội, phản ánh đa chiều những vấn đề nảy sinh, phản ánh và tham gia phản biện xã hội, chuyển tải sinh động đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật, góp phần quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Báo chí đã thể hiện vai trò trong biểu dương nhân tố mới, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát động những phong trào hành động cách mạng, xã hội nhân đạo… đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, theo nhận định, một số tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích; không ít tin bài thiếu chính xác, trung thực; phản ánh tiêu cực, tệ nạn nhiều; phản ánh nét đẹp đời thường, chân thực cuộc sống còn ít. Khuynh hướng thương mại hóa làm xao lãng nhiệm vụ chính, thiên về cái lạ, không bản chất… Cũng có tranh luận cho rằng Việt Nam mặc dù không có báo “lá cải” nhưng đã có những ấn phẩm báo sai tôn chỉ mục đích, nhiều bài chạy theo thị hiếu tầm thường, làm hạn chế tính thẩm mỹ, tạo thói quen ít quan tâm những vấn đề quan trọng.
Đã có nhiều bài viết, nhiều chương trình ít đầu tư, ít sáng tạo nên thể hiện khá rõ sự nghèo nàn, kém sức hấp dẫn, nhiều thông tin cũ, trùng lắp và công thức. Phim Việt đã sản xuất nhiều hơn, cũng có những phim hay nhưng không ít phim còn làm kiểu “mì ăn liền” và na ná giống nhau. Quảng cáo nhiều khi quá lời, thiếu chuẩn xác.
Bây giờ điều kiện, phương tiện làm báo khá hơn nhưng lại là thời thiếu những bài hay, những cây bút tên tuổi. Lẽ nào lực lượng làm báo tự hài lòng với những gì đã có. Lẽ nào trong sự đòi hỏi vươn lên không ngừng nghỉ đối với mọi người mà bản thân nhà báo lại thiếu nhiệt huyết, thiếu sự xông pha, thiếu coi trọng việc bám sát thực tiễn cuộc sống, thiếu khả năng quan sát, nhạy bén… Hay cũng có những vấn đề đặt ra không chỉ là hạn chế của nhà báo. Đó phải chăng là năng lực lãnh đạo, quản lý; việc tạo điều kiện về thông tin; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo cả về chính trị, nghiệp vụ, cập nhật những vấn đề mới về truyền thông hiện đại trong đó có truyền thông đối ngoại… và cả về chiến lược, quy hoạch báo chí. Tất cả các vấn đề đặt ra rất cần được phân tích thấu đáo.
Người đọc, người xem mong muốn có nhiều sản phẩm hay, chương trình hay để qua đó thấy mình có hiểu biết hơn bản chất sự kiện - vấn đề, gắn bó với cuộc sống đất nước, dân tộc, thúc đẩy sự vươn lên với những giá trị chân-thiện-mỹ, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Báo chí phải là dòng chảy đầy sinh khí cuộc sống của nhân dân, phản ánh nhiều hơn nữa cái mới, cái thật, cái đúng. Hấp dẫn hơn, nhanh hơn mà chính xác, cần thiết và bổ ích hơn. Trong đó, đạo đức nghề báo là vấn đề cần coi trọng, nhất là trong việc khai thác, xử lý thông tin, giúp giải đáp vấn đề trong cuộc sống.
Nghề báo - nhà báo có sứ mệnh cao cả với nhân dân. Gắn bó với cuộc sống và những đòi hỏi chính đáng của nhân dân, ngòi bút sẽ thêm cứng cỏi, chân thực và giàu sức hấp dẫn.
PHẠM PHƯƠNG THẢO