Nghệ sĩ và gameshow

Khán giả màn ảnh nhỏ đã quá quen thuộc với hình ảnh nhiều nghệ sĩ xuất hiện ồ ạt trên các gameshow và coi đó như là một “nghề”. Có thể điểm qua: Lâm Vỹ Dạ với Chọn ai đây, Tâm đầu ý hợp, Quý ông đại chiến, Ơn giời cậu đây rồi…; Trấn Thành với Người ấy là ai, Nhanh như chớp nhí..; Hương Giang với Người ấy là ai, Quý ông đại chiến, Nhà thiết kế tương lai nhí… Nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long… cũng được nhiều ê kíp sản xuất ưu ái. Việc tham gia gameshow giờ không còn là nghề tay trái với họ.

Không phải ngẫu nhiên các nghệ sĩ nói trên được nhiều đơn vị mời xuất hiện liên tục trong các chương trình. Một mặt, các ê kíp hiện nay luôn có tâm lý xây dựng một đội ngũ “người nhà”, tức là những người quen thuộc sẽ liên tục xuất hiện trong các chương trình do đơn vị này sản xuất ở nhiều vị trí khác nhau, từ MC, khách mời, đến cố vấn, giám khảo… Đây là cách làm “vẹn cả đôi đường”: Nghệ sĩ không phải lo kiếm show hay sợ hình ảnh của mình không có cơ hội phủ sóng truyền hình. Trong khi đó, phía đơn vị sản xuất bớt đi áp lực cả về cát xê cũng như không phải lo lắng chạy theo lịch trình làm việc vốn luôn bận rộn của các nghệ sĩ. Mặt khác, việc có các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện giúp thu hút sự chú ý của khán giả. Điều này phần nào đảm bảo sự quan tâm theo dõi của khán giả với  chương trình.

Theo một MC có nhiều năm dẫn dắt các chương trình gameshow, khi việc tìm kiếm người chơi là người bình thường ngày càng khó khăn, vừa tốn kém chi phí và thời gian vừa khó đạt các yêu cầu đặt ra, việc chọn người nổi tiếng tham gia có nhiều ưu thế. Họ có khả năng và kinh nghiệm diễn xuất trước ống kính; sự giao lưu và tương tác cũng linh hoạt hơn với người dẫn dắt chương trình.

Từng tham gia nhiều gameshow, một nghệ sĩ chia sẻ rằng, việc được các đơn vị tổ chức mời đồng nghĩa họ có khán giả và đang được yêu thích nhất định. Câu chuyện có nhận lời hay không, nhận lời tham gia chương trình nào phụ thuộc vào quyết định của mỗi người. Có những người luôn sẵn lòng tham gia, bởi họ vừa có cátxê đồng thời hình ảnh của mình được phủ sóng truyền hình. Tuy nhiên, việc tham gia nhiều hay ít không quan trọng bằng việc bản thân người đó có ý thức được sự xuất hiện của mình có gì tươi mới để thu hút khán giả hay không. Nếu từ chương trình này đến chương trình khác không tạo được điểm nhấn, thậm chí bị đánh giá là nhạt nhẽo, vô duyên, quy luật đào thải là tất yếu.

Không ít nghệ sĩ từng bị khán giả phản ứng vì những hành động, lời nói có phần thái quá. Có người còn lợi dụng câu chuyện của đồng nghiệp, thậm chí cả người tình cũ để làm chiêu trò nhằm thu hút khán giả nhưng chỉ mang đến tác dụng ngược. Đặc biệt, ở một số gameshow mang tính thi thố, bản thân những người ở vị trí cố vấn, huấn luyện hay ban giám khảo, trình độ và tài năng chưa chắc bằng các thí sinh. Thế nên mới có chuyện những nhận xét của họ cũng chỉ hời hợt, vô thưởng vô phạt và không đủ sức thuyết phục. Sự bát nháo này khiến nhiều nghệ sĩ gạo cội ngày càng tỏ ra lạnh nhạt với các gameshow.

Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo và luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm mới mình mỗi ngày. Dù chỉ là khách mời hay những vị trí như MC, cố vấn, giám khảo…, thì việc tự ý thức khả năng của mình cũng như có sự chuẩn bị nghiêm túc và đặc biệt cái tâm là hết sức quan trọng. Chương trình càng “hot”, độ “soi” của khán giả càng tinh vi. Chính sự đòi hỏi ngày càng khắt khe sẽ có lợi cho cả nghệ sĩ và nhà sản xuất. Tuy nhiên, có một điều luôn không thay đổi, là ca sĩ phải có bài hát, MV, album; nhạc sĩ phải có sáng tác mới; diễn viên phải có vai diễn; MC phải được mời dẫn chương trình… Còn những người chỉ xuất hiện từ gameshow này đến chương trình nọ, họ nên được gọi với chức danh gì? Câu trả lời dành cho chính những người trong cuộc.

Tin cùng chuyên mục