Quận 2 (TPHCM) được quy hoạch, xây dựng thành một khu đô thị phát triển bậc nhất TPHCM. Tại đây đã hình thành trung tâm hành chính và các khu dân cư với nhiều tòa cao ốc hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, đang có sự bất cập: nhiều nghĩa trang nằm lọt giữa khu dân cư.
18 nghĩa trang với 16.000 ngôi mộ
Đó là con số quá lớn, không ổn ở một quận. Những nghĩa trang và phần mộ này đã có từ thời quận 2 còn là vùng nông thôn ngoại thành. Đến khi đô thị hóa, việc giải tỏa, quy hoạch lại nghĩa trang không phải là chuyện dễ làm, nhưng không thể cứ kéo dài cảnh nghĩa trang, phần mộ nằm giữa khu dân cư. Phường Bình Trưng Đông là nơi tập trung nhiều nghĩa trang nhất quận 2. Tại đây, phố phường đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Các tuyến đường và hẻm đã được tráng bê tông, nhưng chuyện người sống và người chết ở chung trở thành chuyện đáng lo ngại về chất lượng cuộc sống nơi đây.
Bà Ngô Thị Mỹ (ngụ đường 42, phường Bình Trưng Đông) nói: “Chắc hẳn ở TPHCM không có phường nào nhiều nghĩa trang như phường này đâu. Nhiều người bảo nơi đây là “khu phố của những người quá cố”, vì hầu như trên con đường nào cũng đều có một nghĩa trang”. Bà Mỹ đã chịu khó đưa chúng tôi đi thăm các nghĩa trang thuộc địa bàn phường Bình Trưng Đông. Nằm cuối đường Số 39 (khu phố 5) có Nghĩa trang Cây Cám với hàng trăm ngôi mộ san sát, lấn ra sát đường; các dãy nhà dân nằm xen kẽ với các ngôi mộ. Ở đường Số 3 có Nghĩa trang Văn Giáp, quy mô hàng ngàn ngôi mộ. Từ cổng nghĩa trang, băng qua các ngôi mộ, đi theo con đường chạy thẳng vào phía trong là khu dân cư đông đúc. Cách đó mấy chục mét, giao với đường Số 42 là Nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lũ cũng rộng chừng hơn 1ha, bên trong kín mộ. Đi theo đường Số 42, nhìn về tay phải là đường Số 7 (khu phố 1) có một nghĩa trang quy mô nhỏ hơn với khoảng gần 40 ngôi mộ. Gần đó là Nghĩa trang Đất Thánh Mỹ Hòa - Tân Lập… Dù chính quyền đã cấm chôn cất tại các nghĩa trang này, nhưng phía trong vẫn có nơi ngổn ngang vật liệu xây dựng, thỉnh thoảng lại có ngôi mộ mới được hoàn tất. Hầu hết mộ trong các nghĩa trang lớn nhỏ đều đã được xây cất khang trang. Ông Đinh Văn Biển (76 tuổi, ngụ đường Số 3, phường Bình Trưng Đông) nói: “Tôi không sợ gì chuyện sống cùng người chết, nhưng nay nhìn đường phố khang trang, đèn điện sáng trưng, mà trước cửa nhà vẫn là hàng ngàn ngôi mộ thì thấy không ổn chút nào. Chuột gián thi nhau chạy vào nhà dân, rồi những khu mộ còn bị biến thành nơi ẩn nấp, cư ngụ của kẻ gian, khiến chúng tôi luôn thấy bất an. Quận đã có chủ trương triển khai di dời các nghĩa trang trong khu dân cư nhưng đến nay chưa vẫn thấy động tĩnh gì”.
Nhà dân xen lẫn mộ trong Nghĩa trang Văn Giáp
Cũng trăn trở như ông Biển, chị Nguyễn Phan Như Hằng (ngụ đường Số 39, gần Nghĩa trang Cây Cám) cho biết: “Đường sá xung quanh tráng bê tông hết, sạch đẹp là thế, nhưng đoạn chạy qua nghĩa trang này phải chừa lại vì cỏ mọc cao ngang đầu người. Là khu đất cao nhưng hễ mưa là ứ đọng nước, sinh muỗi mòng, rắn rết khiến chúng tôi cảm thấy rất bất an. Tối đến là người lạ không dám đi vào khu này”.
Ngoài ra, khu vực phường Cát Lái, phía cuối đường Lê Văn Thịnh cũng có một nghĩa trang nhỏ với khoảng chục ngôi mộ nằm trong khu dân cư. Nghĩa trang trên đường Số 5 nằm đối diện Trường THCS Thạnh Mỹ, hay Nghĩa trang Cao Đài thuộc phường Bình Trưng Tây cũng được bao bọc bởi nhà dân.
Đến năm 2020 sẽ giải tỏa trắng
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã làm việc với Thường trực Quận ủy, UBND quận 2 về vấn đề chỉnh trang đô thị, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020. Theo đó thống nhất chủ trương cho UBND quận 2 thực hiện giải tỏa 3 nghĩa trang Văn Giáp, Trần Hưng Đạo và Cao Đài, trong đó, từ nay đến năm 2017 sẽ giải tỏa Nghĩa trang Văn Giáp. Trả lời về nội dung giải tỏa, di dời nghĩa trang trong khu dân cư thuộc địa bàn quận 2, UBND quận 2 cho biết đây là vấn đề TP và quận hết sức quan tâm. Trước đây, quận 2 là vùng ngoại thành, người dân có thói quen chôn cất người thân trong khuôn viên đất của gia đình hoặc gần khu vực họ sinh sống. Vì vậy, ngoài 18 nghĩa trang lớn nhỏ thì trên địa bàn quận 2 còn có các khu mộ gia tộc tồn tại trong khu dân cư. Nay quận 2 được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại, các khu dân cư mới, UBND quận cũng đã trình đề án và đã được UBND TPHCM chấp thuận cho di dời, giải tỏa trắng các nghĩa trang hiện hữu trong khu dân cư. Theo đó, từ năm 2017 đến 2020, quận sẽ tiến hành giải tỏa, di dời toàn bộ nghĩa trang theo lộ trình, cải tạo thành công viên và các công trình công ích phục vụ người dân.
THU HƯỜNG