Ngày 19-2, khoảng 3.000 người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã bao vây trụ sở Bộ Quốc phòng lâm thời ở ngoại ô Bangkok, nơi trong vài tuần qua được dùng làm văn phòng làm việc của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra khi Tòa nhà Chính phủ bị người biểu tình phong tỏa. Đây là động thái leo thang mới, diễn ra một ngày sau vụ đấu súng ở thủ đô làm 5 người thiệt mạng.
Thủ tướng Yingluck không có mặt bên trong tòa nhà khi người biểu tình đến bao vây. Căng thẳng đã tạm lắng sau khi các sĩ quan quân sự có mặt tại Bộ Quốc phòng đồng ý đối thoại với thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban. Ông Suthep cảnh báo nếu bà Yingluck tiếp tục đi làm, người biểu tình sẽ đến đây hàng ngày.
Trong khi đó, một người phát ngôn của quân đội - Đại tá Warachon Sukondhapatipak cho biết quân đội sẽ can thiệp nếu cảnh sát không thể đảm bảo an ninh trong thành phố, đồng thời kêu gọi các bên tránh đối đầu.
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr cho biết cảnh sát sẽ không tiếp tục nỗ lực giành lại quyền kiểm soát tại các địa điểm biểu tình, mà sẽ ưu tiên bảo vệ Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Ông Paradorn cũng khẳng định rằng chiến dịch "Hòa bình cho Bangkok" của cảnh sát từ ngày 14-2 nhằm giành lại các điểm bị người biểu tình chiếm giữ "không thất bại". Theo ông, ít nhất cảnh sát đã giành lại Bộ Năng lượng và 80% khu tổ hợp văn phòng chính phủ ở phía Bắc thủ đô.
Người biểu tình đòi bà Yingluck từ chức để một thủ tướng không qua bầu cử lên nắm quyền với nhiệm vụ tiến hành các cuộc cải cách nhằm chấm dứt tình trạng tham nhũng, sử dụng sai công quỹ... Ngày 18-2, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã khởi tố Thủ tướng tạm quyền Yingluck liên quan tới những cáo buộc thiếu trách nhiệm và làm sai nguyên tắc trong chính sách thu mua gạo của chính phủ. Nếu bị kết tội, bà có thể phải từ chức.
Theo TTXVN
>> Thái Lan: Cảnh sát đụng độ người biểu tình, gần 70 người thương vong
>> Thái Lan: Gấp rút bồi thường cho nông dân