Người dân chịu khổ vì nạn đào, rào đường đến bao giờ?

Dân sốt ruột, thi công vẫn ì ạch
Người dân chịu khổ vì nạn đào, rào đường đến bao giờ?

Dân sốt ruột, thi công vẫn ì ạch

Người dân chịu khổ vì nạn đào, rào đường đến bao giờ? ảnh 1

Đường ven kênh Nhiêu Lộc thi công cầm chừng khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: Song Pha

Trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (Q5) có 5 điểm rào đường để thi công lắp đặt hệ thống thoát nước, thay thế hệ thống cống vòm được xây dựng từ thời Pháp thuộc vốn đã xuống cấp trầm trọng. Hàng rào chắn ở công trình này chiếm gần hết lòng đường chỉ chừa lại mỗi bên một lối đi nhỏ.

Qua quan sát các điểm thi công, chúng tôi thấy chỉ có lèo tèo vài công nhân làm ì à, ì ạch. Thậm chí, có công trình không có bóng dáng công nhân. Kế đó, đường Huỳnh Mẫn Đạt cũng bị rào toàn bộ, xe 2 bánh của các hộ dân sống trên tuyến đường này phải len lỏi trên lề đường để ra vào nhà.

Chủ tiệm hủ tiếu Tylum (số 93 Huỳnh Mẫn Đạt P7 Q5) cho biết, 6 tháng nay đường bị rào khiến việc buôn bán của cửa tiệm ế ẩm, số khách đến ăn giảm khoảng 70%. “Với kiểu thi công dây dưa như thế này không biết bao giờ mới xong!”. Nhiều người dân ở P2 Q5 phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP: “Suốt 2 tháng qua, từ khi bắt đầu công trình đào đường sửa chữa tuyến cống hàng trăm căn nhà ở hẻm 126 Trần Bình Trọng và hẻm 85 Nguyễn Trãi bị ngập sâu trong nước 0,7m - 1m sau mỗi cơn mưa. Nước tràn vào nhà làm chập điện gây cháy máy giặt, tủ lạnh và nhiều vật dụng khác của những hộ dân nơi đây”.

Tại khu vực quận 1, các tuyến đường dẫn đến phố ngân hàng như Bến Chương Dương, Hàm Nghi, Tôn Thất Đạm, Phó Đức Chính, Nguyễn Công Trứ... cũng bị biến thành đại công trường. Lòng đường bị rào lại từ 1 năm nay nên các phương tiện phải len lỏi ở hai bên đường rất khổ sở. Không chỉ các tuyến đường ở trung tâm TP, nhiều người dân ở dọc theo tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc thuộc quận 3, Tân Bình cũng than trời về việc rào đường nhưng không chịu thi công. Chị Xuân Lan (nhà ở gần giếng số 1, Q.Tân Bình) cho biết, việc thi công ở giếng số 1 không liên tục. Công nhân đến làm vài ngày rồi ngưng 2 tháng, sau đó lại đến rồi lại ngưng. Khốn nỗi, đường bị rào nên các hộ dân ở hai bên đường không buôn bán được.

Trong khi người dân đỏ mắt chờ ngày công trình hoàn thành thì các đơn vị thi công cứ đủng đa đủng đỉnh, thi công cầm chừng. Khổ nhất là việc một số người đi đường thiếu ý thức, thấy rào vây kín đáo nên ném rác và vô tư phóng uế. Mùi xú uế xông lên nồng nặc khiến môi trường trong khu dân cư bị ô nhiễm.

Phạt nhiều nhưng vi phạm không giảm

Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, thời gian qua, TPHCM đầu tư cải tạo hạ tầng đô thị theo kiểu chắp vá, cục bộ nên tốn nhiều chi phí mà hiệu quả mang lại chưa cao.

Hiện nay, TP đang trong giai đoạn đầu tư cải tạo mạnh mẽ về hạ tầng đô thị trên diện rộng, đặc biệt về hệ thống cấp thoát nước và đường sá. Do đó, để thi công các công trình ngầm như đặt cống mới, cải tạo hệ thống thoát nước cũ thì không thể tránh khỏi việc đào đường, rào đường và phân luồng giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thi công luôn bị “xung đột” giữa các công trình ngầm của nhiều ngành như cấp nước, thoát nước, điện thoại, điện lực... Do phải thương thảo và chờ đợi sự phối hợp giữa các đơn vị đã làm cho tiến độ công trình thi công trên địa bàn TP chậm lại.

Còn ông Trần Hồng Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTCC thừa nhận, việc thi công công trình ì ạch, kéo dài thời gian phân luồng giao thông đã ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn TP. Ngoài việc thi công quá chậm, các đơn vị thi công còn vi phạm nhiều quy định khác như: thi công không có giấy phép, không có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không bố trí đầy đủ biển báo, rào chắn theo quy định, không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng,…

Ông Nam cho biết, trong 3 tháng (5, 6 và 7) năm 2007, Thanh tra Sở GTCC đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 290 trường hợp, trong đó đơn vị thi công công trình Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP bị lập biên bản xử phạt 81 vụ, công trình cấp nước 66 vụ, công trình thoát nước 54 vụ. Việc xử phạt vi phạm về đào đường, tái lập mặt đường được Thanh tra Sở GTCC tiến hành thường xuyên, các đơn vị đã có những biện pháp khắc phục nhưng con số vụ vi phạm về đào đường, tái lập mặt đường vẫn còn ở mức cao.

Song Pha

Tin cùng chuyên mục