Người đương thời trên sân khấu?

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc – 2008 vừa qua tại Hải Phòng cho thấy một sự thực là tài năng, nhất là tài năng trẻ là điều có thực. Cuộc thi với kết quả chung cuộc của nó đã khẳng định điều này. Nó cho thấy một tài năng thực sự thường đồng hành với một nghệ thuật đích thực. Giữa tài năng và nghệ thuật có mối quan hệ sáng tạo mật thiết gắn bó với nhau. Nhờ có nghệ thuật mà tài năng bộc lộ và phát huy. Ngược lại, nhờ vào tài năng nghệ thuật đến với công chúng trọn vẹn, đầy đặn. Chân lý tưởng như rất đơn giản ấy muốn đạt tới thật không dễ dàng.

Cuộc đua tài này cũng cho thấy một vài hiện tượng có ảnh hưởng, liên quan đến chất lượng nghệ thuật của sân khấu hôm nay đang khiến người làm nghề băn khoăn, trăn trở: Đó là hiện tượng hầu hết các tiết mục được lựa chọn tham gia cuộc thi đều là những vở về đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến…

Phải chăng vì quá coi trọng các yếu tố kỹ thuật, kỹ năng thể hiện của người diễn viên, quá chú ý đến trò dựng, trò diễn của diễn viên và đạo diễn, nhất là những tác phẩm vang bóng một thời, những vai kịch làm cho diễn viên nổi tiếng mà các nghệ sĩ trẻ quyết định chỉ chọn những giá trị nghệ thuật tuy cũ, nhưng đã được khẳng định. Như vậy sẽ an toàn hơn. Suốt chiều dài của cuộc thi, trên sân khấu chỉ diễn ra những mảnh đời thuộc quá khứ với các nhân vật tiêu biểu cho một thời đại đã qua, với ký ức phủ bụi thời gian. Sân khấu hôm nay vắng bóng con người đương thời, nhân vật chính của thời hiện đại, mở cửa đổi mới, hội nhập…

Thế mạnh của sân khấu kịch là ở cái cách phản ánh hiện thực nhanh, kịp thời và sắc sảo của nó. Sân khấu kịch luôn bám sát thời cuộc và sở trường của nó là khắc họa những nhân vật của thời đại đã nuôi dưỡng nó. Chúng ta đã từng thấy trên sân khấu hình tượng người nông dân cùng khổ trước cách mạng, anh bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến, người dũng sĩ thời đánh Mỹ, người đảng viên thời xây dựng v.v…

Vậy mà hôm nay trên sân khấu thấy có nhiều người nhưng nhân vật, hình ảnh con người hiện đại, đương thời với chúng ta là ai? Người giám đốc, nhà quản lý hay doanh nhân? Nhân vật ấy là ai? Sân khấu chúng ta vẫn chưa có câu trả lời.

Là nghệ thuật tổng hợp với những đặc trưng của nó, là trình diễn, sân khấu không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh. Sân khấu, do có điều kiện giao lưu trực tiếp với khán giả, có thể làm được nhiều hơn thế; ví như sân khấu đặt câu hỏi với người xem, dự báo những hiện tượng, nêu những vấn đề người xem phải tìm đến để có được giải đáp v.v… Một sân khấu bám chắc vào đời sống hiện tại, kích thích xã hội bằng những khám phá, thử nghiệm v.v… Cái sân khấu ấy một thời chúng ta đã làm và đã làm rất tốt. Còn hôm nay sân khấu đi sau, đi chậm hơn cuộc sống, tránh né những mâu thuẫn phức tạp và xa dần hiện thực đi vào con đường giải trí mua vui, mua cười, chiều theo ý thích của một bộ phận khán giả có thị hiếu bình dân.

Để trả lại cho sân khấu những giá trị đúng của nó cần chú ý khắc phục những yếu kém của khâu sáng tác. Vực dậy một sân khấu đã mỏi mệt phải bắt đầu từ kịch bản văn học, khâu đầu tiên để vận hành quá trình sáng tạo tiếp theo của đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… Người viết kịch hôm nay cần có cái nhìn mới đối với hiện thực đang thay đổi hàng ngày. Có như vậy các tác giả mới là người đồng hành cùng thế hệ trẻ trong hành trình sáng tạo.

NSƯT TRẦN MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục