Kỷ niệm lần thứ 54 cuộc tấn công pháo đài Moncada

Người phụ nữ của hai dân tộc

Người phụ nữ của hai dân tộc

Ngày 28-7 năm nay, nữ đồng chí Melba Hernandez vừa tròn 86 tuổi. Sinh nhật của bà cũng đúng vào dịp nhân dân Cuba và bạn bè khắp năm châu kỷ niệm lần thứ 54 cuộc tấn công pháo đài Moncada mà bà là một trong hai nữ chiến sĩ duy nhất tham gia cuộc tấn công này và luôn sát cánh bên cạnh đồng chí Fidel Castro.

Bà cùng nữ đồng chí Haidé đã bị bắt, bị giam cầm trong trại giam của chế độ độc tài Batista. Suốt 86 năm của cuộc đời, nữ đồng chí Melba Hernandez đã dành hơn nửa đời cho những hoạt động ủng hộ Việt Nam. Là vị chủ tịch đầu tiên và là người sáng lập Ủy ban Cuba đoàn kết với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba Việt Nam ngày nay, bà Melba luôn coi mình là người con của cả hai dân tộc Cuba và Việt Nam.

Khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược ở Việt Nam đang diễn ra ác liệt nhất, bà Melba đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam. Phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam do bà khởi xướng được đông đảo các tầng lớp nhân dân Cuba hưởng ứng.

Người phụ nữ của hai dân tộc ảnh 1

Bà Maria (phải) chụp ảnh chung với nữ đồng chí Melba Hernandez trước ngày lên đường sang Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật bà, chúng tôi đã tìm gặp người nữ thư ký đã có 15 năm làm việc bên cạnh Melba-bà Maria Isabel Fagette Salas, hiện là tùy viên của Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TPHCM - và nghe lại những câu chuyện cảm động về người phụ nữ đã từng được nhân dân Cuba coi là “người phụ nữ của hai dân tộc” này. Bà Maria kể:

“Tôi làm quen với bà Melba từ năm 1977, tại Trung Quốc, khi bà đi ngang đây trên đường từ Việt Nam về Cuba. Lúc ấy bà đang làm Đại sứ Cuba tại Việt Nam, còn tôi đang làm thư ký cho ông tham tán kinh tế và thương mại Cuba tại Trung Quốc. Gần 2 giờ ngồi tiếp chuyện bà, tôi gần như bị thu hút bởi cách nói chuyện gần gũi, thân tình với nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi của bà mà vẫn chưa biết bà là ai. Mãi đến khi ông tham tán hỏi tôi: Cô có biết bà ấy là ai không? Tôi mới giật mình vì sự vô ý của mình và khi biết rõ thân thế của bà tôi càng ngưỡng mộ nhân cách cao quý và cảm phục đức tính khiêm tốn của bà. Tôi luôn nhớ đến bà, mong được gặp lại bà và hoàn toàn không ngờ được rằng, 15 năm sau, năm 1992, tôi lại được đưa về làm thư ký riêng cho bà tại BCH Trung ương Đảng cộng sản Cuba.

Suốt 15 năm làm việc bên cạnh bà, tôi không chỉ là một cộng sự mà còn được bà đối xử như con gái ruột của bà, chính vì thế, việc phải để tôi sang làm nhiệm vụ tại Việt Nam đối với bà thật là khó khăn. Vì đây là Việt Nam, một đất nước mà bà coi là quê hương thứ hai của mình nên bà mới cho tôi đi, và cũng chỉ là một nhiệm kỳ hai năm rồi tôi sẽ lại về bên bà.

Sống bên cạnh bà Melba, tôi nhận ra rằng, mỗi một ngày sống của mình, bà đều luôn hoài niệm một cái gì đó về Việt Nam, bà luôn khao khát được quay lại đất nước này dẫu biết rằng điều đó ngày càng trở nên xa vời. Có thể nói, không một người nào từng làm việc với bà mà không bị “lây nhiễm” tình yêu đối với Việt Nam ở bà. Tiễn tôi sang Việt Nam, bà dặn dò tôi đủ điều.

Tại cuộc họp chi bộ, bà đã nói với tôi: “Tôi biết Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng về mặt chính trị, Việt Nam rất tốt. Họ là những người Mác-xít Lênin-nít thật sự. Ở Việt Nam, người ta có thể trưởng thành về mặt chính trị. Người Việt Nam đã chịu đựng rất nhiều, nghèo đói và chiến tranh triền miên và bây giờ họ đã tự mình thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Maria hãy là đôi tai, đôi mắt của tôi, để tôi có thể nghe được, thấy được rõ ràng và đầy đủ về Việt Nam…”.

NGỌC YẾN

Tin cùng chuyên mục