Thông tin không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa trên thị trường đã và đang trở thành vật cản gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển của các thương hiệu sữa chất lượng trong nước và gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Sữa nước - nhu cầu và chất lượng thực sự
Sữa là một trong những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt quý giá cho sự phát triển trẻ nhỏ cũng như sức khỏe người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi. Ở Việt Nam, mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của người Việt Nam đã tăng từ 8,09 lít/người/năm lên 14,81 lít/người/năm từ năm 2000 đến năm 2010. Tuy nhiên, mức tiêu thụ sữa trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (23 lít/người/năm) và Trung Quốc (25 lít/người/năm). Theo dự đoán của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ sữa của Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã khiến thị trường sữa nước càng thêm sôi động. Hiện tại, trên thị trường có 2 dòng sữa nước là sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng hoàn nguyên. Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng sữa nước tiệt trùng nghiễm nhiên được làm từ sữa tươi. Tuy nhiên, chỉ có sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, còn sữa tiệt trùng hoàn nguyên được chế biến từ sữa bột, chất béo các loại và nước, có thể bổ sung thêm phụ liệu. Loại sữa này xét về chất lượng và hương vị khác so sữa tươi thực sự, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết.
Thực tế còn cho thấy, những sản phẩm sữa hoàn nguyên nhiều loại không ghi rõ thành phần và xuất xứ nguyên liệu đã “làm khó” người tiêu dùng khi chẳng thể xác định được sản phẩm họ mua có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên chất hay sữa bột.
Cần sự minh bạch thị trường để bảo vệ người tiêu dùng
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong số hàng trăm loại sữa được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng kinh doanh, đa phần các doanh nghiệp chỉ phân biệt thành “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng”, không có nhãn hiệu nào ghi đầy đủ là “sữa hoàn nguyên tiệt trùng”. Trên thực tế, với hơn 70% các hãng sữa nhập khẩu sữa bột để sản xuất sữa nước như hiện nay, một câu hỏi cần đặt ra là phải chăng người tiêu dùng trong nước đang quá dễ dãi trước sự minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu của các sản phẩm sữa tại Việt Nam.
Qua khảo sát các doanh nghiệp đầu ngành sữa, đa phần đều mong muốn có sự minh bạch về thị trường và cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần qui định rõ việc ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm, tiến hành kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại ngay tất cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán các sản phẩm sữa không đủ tiêu chuẩn lưu hành đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nếu có để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn sữa TH, nhận đinh: “Việc minh bạch thị trường sữa sẽ góp phần ổn định và tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sữa ở Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Việc minh bạch thị trường sữa là trách nhiệm của các nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhưng quyền lựa chọn là của người tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, người tiêu dùng nên chủ động tìm hiểu thông tin về nhà sản xuất và đặc biệt là nguồn nguyên liệu họ sử dụng, để lựa chọn được những sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn nhất cho bản thân và gia đình”.