Nguồn lực cho thể thao cất cánh

Thể thao Việt Nam hiện tại được ví giống như một chiếc máy bay đã chứa đầy đủ hành khách, sẵn sàng vươn mình lên trời cao nhưng không cất cánh được vì đường băng chưa hội đủ điều kiện tối ưu, dẫn đến việc trễ hẹn trên hành trình tìm đến đẳng cấp châu Á, thế giới.
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh đoạt 4 Huy chương vàng môn điền kinh tại SEA Games 32
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh đoạt 4 Huy chương vàng môn điền kinh tại SEA Games 32

Vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 được đánh giá là thành công lớn của Thể thao Việt Nam (TTVN), nhưng cũng đặt ra một thách thức không nhỏ với các nhà quản lý về việc làm sao giải thật nhanh bài toán nguồn lực để thực sự đạt đến đẳng cấp châu lục, thế giới.

Thực tế thi đấu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp năm 2022 và 2023 đã chứng minh chúng ta sở hữu nguồn lực VĐV tiềm năng ở nhiều môn thể thao thuộc nhóm Olympic. Khả năng đánh giá, dự báo thành tích của các nhà làm công tác chuyên môn thể hiện được sự chính xác, nắm rõ được từng phân kỳ phát triển ở từng môn thi đấu cũng như tương quan thực lực so với các quốc gia trong khu vực.

Nói cách khác, TTVN có đủ “chất liệu” để thiết kế chiến lược phát triển tổng thể, nhưng lại vẫn gặp khó khăn trong việc thực thi do thiếu thốn hệ thống cơ sở vật chất khắp nước và nguồn lực tài chính cần thiết.

Với 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở 4 khu vực (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ), cùng hệ thống nhà thi đấu, sân vận động chuẩn quốc gia tại các địa phương, số lượng cơ sở vật chất không thiếu, nhưng trên thực tế nói đến thể thao đỉnh cao không chỉ là chuyện cái sân, đường chạy mà ở chất lượng của từng hạng mục thiết bị cho đến chế độ dinh dưỡng và thậm chí là cả sức khỏe tinh thần VĐV.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, trong lần trao đổi mới đây với Báo SGGP, đã nhấn mạnh rằng cấp thiết là phải đầu tư trọng điểm cho cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo con người và đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện thể thao châu lục và thế giới, bên cạnh việc tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa thì mới giúp ngành TDTT cất cánh. Chiến lược phát triển mới của ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tập trung tối đa cho 2 vấn đề trọng tâm này.

Đó là 2 bài toán nhưng chung một lời giải. Cơ sở vật chất luôn đi kèm phương án xử lý, vận động nguồn lực tài chính đầu tư. Không có sự đóng góp tài chính từ doanh nghiệp, các quỹ phát triển thể thao, sẽ rất khó xây dựng và đầu tư hệ thống vật chất cho tập luyện, thi đấu. Không có hoạt động kinh doanh, tài trợ hiệu quả thì sẽ thiếu những giải đấu quốc tế chất lượng hoặc tốt hơn nữa là tập huấn dài ngày ở những quốc gia hàng đầu của từng môn thể thao.

Ngược lại, nếu ngành thể thao cũng như các địa phương không xây dựng được cơ sở vật chất hiện đại, quy mô thì việc thu hút tài chính dù là đóng góp phi lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng khó khả thi.

Rất khó để TTVN chuyển đổi sang chế độ chuyên nghiệp, nhà nghề trong thời điểm hiện tại, nên trước mắt vẫn phải trông đợi vào tinh thần đóng góp của từ cơ chế lẫn nguồn lực xã hội.

Tựu trung, TTVN hiện tại được ví giống như một chiếc máy bay đã chứa đầy đủ hành khách, sẵn sàng vươn mình lên trời cao nhưng không cất cánh được vì đường băng chưa hội đủ điều kiện tối ưu, dẫn đến việc trễ hẹn trên hành trình tìm đến đẳng cấp châu Á, thế giới.

Trong điều kiện hiện nay, có thể ngân sách nhà nước không thể chi thêm cho sự nghiệp thể thao, nhưng có lẽ việc nghiên cứu các đề xuất hợp tác công tư, mở rộng để thông thoáng cơ chế cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào cơ sở vật chất, nhất là liên quan đến quỹ đất dành cho thể thao, chính là những phương án vừa ngắn hạn vừa dài hơi để cung cấp thêm nguồn lực cho TTVN.

Tin cùng chuyên mục