Từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất điều hành nhằm khuyến khích cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp. Xu hướng giảm lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động tiếp tục được nhiều tổ chức tín dụng đẩy mạnh ngay từ đầu quý 3-2020 để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 3,26%. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với con số 7,33% của cùng kỳ năm 2019. Song, đây cũng là điều dễ hiểu khi tăng trưởng GDP 6 tháng của Việt Nam chỉ đạt 1,81%, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, đà tăng tín dụng đã có tín hiệu tích cực khi từng tháng có sự cải thiện từ tháng 4 đến tháng 6 (tương ứng tăng 0,12%, 0,53% và 1,28%).
Trong 6 tháng đầu năm, có hơn 3 tháng Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục. Việc tín dụng tăng trưởng thấp giai đoạn này cho thấy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, nên dù lãi suất cho vay giảm nhưng nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng thấp trong thời gian vừa qua cũng xuất phát từ việc các ngân hàng thương mại lo ngại rủi ro nợ xấu, nên dù tích cực thực hiện chủ trương của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhưng ngân hàng không hạ chuẩn trong việc xét duyệt các khoản vay mới. Nhiều ngân hàng cũng cho biết, dù đã giảm lãi suất huy động và giảm thêm lãi suất cho vay song khó giải ngân vì nhu cầu vốn của khách hàng giảm.
Sự khó khăn của DN có thể nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, cả nước có, 63.400 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó, có 32.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, các DN đang đối mặt với rất nhiều trở ngại trong hoạt động kinh doanh hiện nay.
Trong văn bản mới đây gửi các đơn vị, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất… Các tổ chức tín dụng sớm đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật.
Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 14%. Nhưng với thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo, mức tăng trưởng 10% là phù hợp và đảm bảo giữ lạm phát dưới 4%. Bên cạnh đó, dù lãi suất có giảm hơn, nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế yếu thì tín dụng cũng khó vượt trên 10%. Mặt khác, những cam kết về việc sẵn sàng mở rộng tín dụng nhưng không hạ chuẩn cho vay, kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng cho thấy, ngân hàng đồng hành với khó khăn của DN nhưng cũng thận trọng trong phòng ngừa rủi ro nợ xấu gia tăng, do vậy, tăng trưởng tín dụng cũng khó cao như những năm trước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng cần tăng cường hợp tác với DN, hiểu DN hơn để vừa đóng vai trò tư vấn, có niềm tin cấp vốn vay. DN cũng cần có thiện chí hợp tác, chia sẻ dữ liệu thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh một cách công khai và minh bạch để ngân hàng có thể đánh giá được năng lực của mình, khả năng trả nợ đến đâu. Việc hiểu nhau từ hai phía sẽ giúp tìm được tiếng nói chung: ngân hàng đưa nguồn vốn đến đúng chỗ và giảm thiểu rủi ro về nợ xấu trong tương lai; còn DN có vốn để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.