KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS TPHCM, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui, cho biết, đã có khoảng 15%/tổng số khách hàng của Nhà Vui hiểu và mong muốn được tư vấn, được giúp đỡ xây dựng các công trình xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng dưới 10% số khách hàng của Nhà Vui là có đủ khả năng thực hiện ước mơ của mình. “Cản ngại lớn nhất vẫn là chi phí xây dựng công trình xanh quá cao, vượt quá khả năng tài chính của đại bộ phận người dân” - KTS Nguyễn Thu Phong nói.
Tất nhiên, điều này là không mới nhưng chúng vẫn mang tính thời sự. Giải quyết cách nào khi thu nhập của người dân Việt Nam mà cụ thể là của nhiều người dân TPHCM chưa tương xứng với yêu cầu xây dựng của các công trình thân thiện với môi trường? Có thể chọn giải pháp kiến trúc trong việc bố trí hướng nhà, hướng cửa… để đón được gió, đón được ánh sáng tự nhiên như cách KTS Khương Văn Mười gợi ý. Thế nhưng, đó chỉ là một phần của yêu cầu. Công trình kiến trúc xanh (KTX) theo tiêu chí của nhiều nước trên thế giới, còn phải là công trình được xây dựng bởi những vật liệu sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu như gạch không nung, tôn chống nắng, chống nóng… Đa phần các vật liệu này đều đắt hơn nhiều lần so với các vật liệu thông thường.
KTS Nguyễn Thu Phong cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là kéo giảm được giá vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường xuống thấp hơn nữa. Để làm được điều này thì trước hết chính các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất để giảm giá thành sản xuất. “Bên cạnh đó, một sự hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu. Nhà nước có thể miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thân thiên với môi trường. Quan trọng hơn, Nhà nước phải đi đầu trong việc thực hiện tiêu chí xanh trong các công trình kiến trúc sử dụng vốn ngân sách, nhất là các công trình quan trọng, có tuổi đời cao, có dấu ấn về kiến trúc nhằm vận động người dân hưởng ứng xu hướng kiến trúc bền vững này” - kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Xây dựng TPHCM, nhận định.
SƠN LAM