Nhận biết nguy cơ tự tử ở người trẻ

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 11 tuổi do tự tử.

Trẻ bị ngạt do treo cổ, tổn thương não do thiếu oxy. Sau gần 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của em được cải thiện, chuyển sang Khoa Nội thần kinh tiếp tục điều trị và được tư vấn hỗ trợ tâm lý.

Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận một bạn trẻ uống lượng lớn thuốc để tự tử sau khi để lại thư tuyệt mệnh.

Tự tử là một phản ứng bi thảm với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống; tuy nhiên hành vi này có thể được ngăn chặn. Mỗi người trong chúng ta hãy học cách nhận biết các dấu hiệu một người sắp hoặc có ý định tự tử để góp phần phòng ngừa cho cộng đồng.

Biện pháp phòng ngừa tự tử là chú ý tới sức khỏe tinh thần của người thân, của bạn bè và cho chính bản thân mình. Tránh các môi trường tiêu cực có hại cho sức khỏe tinh thần. Một người có dấu hiệu nghi ngờ tự tử là thường xuyên nói về việc tự tử hoặc nói đến cái chết; luôn nghĩ mình vô dụng, tự ti về bản thân; không muốn giao tiếp xã hội, tự cô lập bản thân.

Bên cạnh đó là các trường hợp luôn thay đổi tâm trạng, đang gặp vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý, tăng tần suất sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích, thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt; thực hiện các hành động nguy hiểm đến tính mạng; có dấu hiệu sắp xếp tang lễ của mình, viết di chúc, gửi gắm...

Mỗi chúng ta hãy cố gắng tạo lối sống tích cực, cư xử tử tế với người thân và đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Các bậc cha mẹ, ông bà tránh tạo áp lực quá mức khiến con trẻ suy nghĩ dại dột, hành xử tiêu cực, làm điều đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục