Nhận diện đúng, tháo gỡ nhanh

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực. Nhưng, trước tiên, để mọi nỗ lực được đi đúng hướng, những rào cản trong công tác giải ngân cần được nhận diện đúng, tháo gỡ nhanh.

Thứ nhất, các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa song vẫn chưa thật sự đồng bộ. Điều đó khiến cho các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công vẫn còn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Cũng do quyền và trách nhiệm của cá nhân, tập thể chưa được phân định rạch ròi, không ít dự án đầu tư công đã bị chậm triển khai, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm do quyết định cá nhân không kịp thời, phải chờ sự đồng thuận nhất trí của cả tập thể.

Đồng thời, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, ngay cả trường hợp chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn theo Luật Đấu thầu, vẫn còn những hạn chế, bất cập khiến cho quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài. Hơn nữa, quy định hiện hành vẫn còn những kẽ hở, để lọt nhà thầu yếu kém không đủ năng lực, thậm chí nhà thầu “sân sau” phục vụ lợi ích nhóm. Tình trạng này nếu không được phát hiện thì thời gian triển khai dự án bị kéo dài, đội vốn; còn nếu được phát hiện thì việc thay nhà thầu lại phải bắt đầu lại từ đầu, tiêu tốn rất nhiều thời gian thực hiện dự án.

Thứ hai, một rào cản nữa đối với công tác giải ngân hiện nay là giá cả nguyên, nhiên vật liệu biến động mạnh, khiến cho nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với giá trong hợp đồng trúng thầu. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có quyền quyết định chấp thuận hay không mà phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên việc triển khai dự án bị gián đoạn, thậm chí dừng hẳn. Vì thế, dự án đầu tư công đã chậm lại càng thêm chậm. Đó là chưa kể một số dự án đầu tư công chậm giải ngân vốn do những lý do muôn thuở như: chậm giải phóng mặt bằng, chưa bố trí vốn đúng quy định, xây dựng dự toán không đúng quy định, thiếu căn cứ quy hoạch, cần xem lại chủ trương đầu tư…

Thế nhưng, tại sao cùng quy định pháp luật, một số bộ, ngành, địa phương lại có tiến độ giải ngân tốt, thậm chí vượt cả kế hoạch trong khi nhiều nơi khác lại triển khai ì ạch? Câu trả lời là do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ, công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công; có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đổ tội cho cấp dưới hay điều kiện khách quan.

Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác trực tiếp cùng các chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế hiện nay đang đòi hỏi các tổ công tác của Chính phủ cần có đủ quyền hạn và trách nhiệm để xử lý kịp thời và dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, thành viên mỗi tổ công tác cần hội tụ đủ năng lực, trình độ chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, tổ công tác cần có đường dây nóng trực tiếp báo cáo với Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực những vấn đề vượt thẩm quyền để xử lý kịp thời và dứt điểm. Chỉ có như vậy, tiến độ giải ngân mới được đẩy nhanh và hoạt động của tổ công tác mới nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục