Nhân rộng một mô hình

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn nhất nước với khoảng 10 triệu người sinh sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình - từ khi mới chỉ là thành phố khoảng 2 triệu dân đến nay - TPHCM đã mang theo nó nhiều vấn đề phức tạp, nan giải. Trong đó, nhức nhối nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước nói chung và kênh rạch nói riêng.

Hơn 800km kênh rạch chằng chịt khắp thành phố từ chỗ trong xanh, thơ mộng đã thành những con nước đen ngòm, hôi thối, tắc nghẽn dòng chảy và trở thành nơi chứa rác và nước thải sinh hoạt của bằng ấy triệu dân.

Đã có biết bao chương trình, dự án cải tạo môi trường được đưa ra bàn thảo, song đều gặp nhiều khó khăn: Vốn đầu tư, giải tỏa đền bù, tái định cư, thi công… Tuy nhiên, với quyết tâm chỉnh trang đô thị, khôi phục và nâng cao chất lượng sống cho người dân, từ lãnh đạo đến các ban ngành của TPHCM đã thực hiện - đến giờ này có thể nói là thành công - một trong những dự án phức tạp nhất. Đó là dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Nhớ lại khi bắt tay triển khai dự án, nhìn hàng ngàn hộ dân đủ mọi thành phần chen chúc trong những căn nhà ổ chuột dọc hai bên dòng kênh đen, hôi thối và đầy rác rưởi dài gần chục cây số, những người lạc quan nhất cũng thấy ái ngại cho sự thành công của dự án. Nhưng đến nay, mọi khó khăn đã qua, thành quả của lòng quyết tâm và sự tổ chức khoa học trong quá trình thực hiện dự án đã đơm bông kết trái, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành công trình kiến trúc đẹp uốn lượn qua các khu dân cư đông đúc. Đặc biệt là từ một dòng kênh đen đầy rác rưởi nay đã thành con kênh xanh và sạch. Thủy sinh đã hồi phục trở lại và trong một ngày không xa, du khách có thể buông thuyền thưởng ngoạn trên dòng kênh còn quyến rũ hơn xưa.

Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới thực hiện được giai đoạn 1. Phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để đến khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu vực sẽ được xử lý triệt để, sạch sẽ trước khi đưa nó trở lại với thiên nhiên. Khi đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trở thành biểu tượng của thành phố xanh, sạch, đẹp.

Nhưng TPHCM còn có hàng chục con kênh khác cũng cần được cải tạo như kênh Đôi, Tàu Hũ, Tham Lương, Tân Hóa - Lò Gốm… mà hiện trạng của nó cũng không khác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây chục năm. Thành công của dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một mô hình xanh sạch đẹp đáng được nhân rộng cho các dự án khác đã, đang hoặc sắp tiến hành. Trong đó các kinh nghiệm về thiết kế dự án, tổ chức thi công và đặc biệt là về giải tỏa đền bù, tái định cư là những bài học rất quý cần được nghiên cứu để áp dụng cho các dự án cải tạo môi trường khác của TPHCM.


Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục