Nhân viên công ty công nghệ bị sa thải hàng loạt

Theo dữ liệu được nền tảng chuyên theo dõi việc sa thải ở ngành công nghệ Layoffs.fyi công bố, khoảng 83.000 nhân lực tại 256 doanh nghiệp công nghệ đã bị cho nghỉ việc trong tháng 1-2023. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, con số này là 44.257. Phần lớn nhân viên mất việc thuộc những công ty hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Amazon, Meta…
Các công ty công nghệ sa thải hàng chục ngàn nhân viên ngay đầu năm
Các công ty công nghệ sa thải hàng chục ngàn nhân viên ngay đầu năm

Như một trào lưu

Amazon hồi tháng 11-2022 đã sa thải 10.000 nhân viên, sau đó tiếp tục cắt hợp đồng với 8.000 người. Microsoft cũng thông báo giảm 10.000 nhân lực, còn Google cho nghỉ việc hơn 12.000 người. Tập đoàn công nghệ lớn duy nhất chưa sa thải nhân viên là Apple, nhưng hãng cũng đã ngừng tuyển thêm lao động.

Theo The Verge, có sự tương đồng trong tuyên bố của các hãng công nghệ lớn. Phần lớn cho biết số lượng nhân viên đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, nhưng đến nay nhu cầu của thị trường giảm, khiến họ phải giảm nhân viên. Lúc cho 11.000 người thôi việc cuối năm ngoái, Meta cho biết đã ghi nhận doanh thu vượt bậc khi thế giới chuyển sang môi trường trực tuyến nhanh chóng, cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử do dịch Covid-19. “Nhiều người dự đoán một đợt tăng tốc sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy, vì vậy tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư. Thật không may, điều này không diễn ra theo cách tôi mong đợi”, CEO của Meta - Mark Zuckerberg nói.

Trong thông báo của mình, Microsoft đề cập đến việc chứng kiến khách hàng tăng chi tiêu kỹ thuật số trong đại dịch. Đến nay, các khách hàng chuyển sang tối ưu hóa, cắt giảm chi tiêu kỹ thuật số, khiến công ty phải thay đổi. Tương tự, CEO Sundar Pichai của Google cũng nhắc đến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn 2 năm qua: “Để phù hợp và thúc đẩy sự tăng trưởng đó, chúng tôi đã tuyển dụng cho một thực tế kinh tế khác với thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày nay”, ông nói. Nội dung như trên cũng được ghi nhận trong thông báo của Amazon, Stripe, Spotify hay Salesforce. The Verge cho rằng việc sa thải tại các công ty công nghệ hiện nay giống như một trào lưu. Họ làm vậy vì công ty khác cũng làm như vậy.

Chi phí đền bù khủng

Về lý thuyết, việc sa thải sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí như tiền lương. Nhưng thực tế, họ sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn để đền bù hợp đồng. Số tiền đó với những công ty như Google, Microsoft có thể lên tới hàng tỷ USD. Hôm 2-2, Myles Udland, Trưởng Phòng Tin tức của Yahoo Finance, đăng trên Twitter một bảng cân đối kế toán được cho là của Meta cuối năm 2022. Theo tài liệu, công ty này đã chi 975 triệu USD phí nghỉ việc cho hơn 11.000 nhân viên bị sa thải. Udland ước tính, nếu chia đều, mỗi người nhận khoảng 88.636USD.

Jeffrey Pfeffer, Giáo sư tại Đại học Stanford, Mỹ, đánh giá cắt giảm nhân viên chưa chắc giúp các công ty tiết kiệm chi phí. Dẫn một số nghiên cứu, ông cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy giảm nhân sự giúp công ty tăng lợi nhuận hay tăng giá cổ phiếu. Thậm chí, theo ông, việc sa thải có thể làm tăng sự căng thẳng ở cả người ra đi và ở lại, dẫn đến giảm năng suất lao động.

Các nhà phân tích chỉ ra điểm tương đồng ở những công ty cắt giảm hàng ngàn nhân viên: không bên nào đang ở bờ vực phá sản. Thậm chí một số vẫn có doanh thu tốt và kiếm được nhiều tiền sau đại dịch. Theo Michael Cusumano, Phó trưởng khoa Trường Quản lý MIT Sloan, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi trong cách nhà đầu tư đánh giá hoạt động của một công ty. Trước đây, khi doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu ở mức 20-30%, sẽ không ai quan tâm đến lợi nhuận. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng mạnh đã qua, họ thận trọng hơn. Lúc này, một trong những chỉ số đo lường giá trị đầu tư vào công ty là doanh thu trên mỗi nhân viên. Việc bổ sung nhân viên trong giai đoạn đại dịch khiến chỉ số này giảm xuống.

Giới phân tích lo ngại làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ có thể lan rộng. John Leer, chuyên gia kinh tế tại Morning Consult, bình luận trên CNN: “Tác động từ sa thải trong doanh nghiệp công nghệ sẽ phản ánh nền kinh tế chung cuối quý này. Một lần nữa, lĩnh vực công nghệ lại dẫn dắt nền kinh tế, nhưng không phải theo cách mà họ muốn”.

Chuyên gia Joseph Bonner, Công ty nghiên cứu Argus, Mỹ, cho rằng việc tuyển dụng quá mức trong đại dịch chỉ là một lý do. Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn đang đối mặt với nền kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Vì vậy, họ phải hành động để cắt giảm chi phí, điều chỉnh để phù hợp với giai đoạn dự kiến là khó khăn trong vài quý tới đây.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn về mặt tài chính chưa hẳn là nguyên nhân đằng sau làn sóng sa thải hàng loạt này. Một phần nguyên nhân có thể đến từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Một số doanh nghiệp khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc việc sử dụng ChatGPT để vận hành công việc. Ngay sau khi sa thải hơn 10.000 người, Microsoft đã rót 10 tỷ USD vào ChatGPT. Còn theo New York Times, tiếng vang của ChatGPT đã thúc đẩy Google tăng tốc các dự án AI của mình. Tại buổi báo cáo tài chính quý 4-2022, CEO M.Zuckerberg nói họ đã sa thải hơn 11.000 nhân viên nhưng đó chưa phải đợt cắt giảm lớn duy nhất. Công ty có kế hoạch loại thêm nhân viên, chủ yếu là quản lý cấp trung, đồng thời trang bị cho các kỹ sư nhiều công cụ AI hơn.

Tin cùng chuyên mục