Hơn nửa năm sau khi Việt Nam giành được quyền đăng cai Asian Games 2019, dự thảo chiến lược “Xây dựng chương trình đào tạo VĐV cho Asiad” mà Vụ Thể thao thành tích cao đảm trách vẫn chưa hoàn thiện. Sự chậm trễ này khiến Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng sốt ruột nên vừa mới yêu cầu vụ này gấp rút hoàn thành dự thảo chiến lược ngay trong tháng 6, trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược kể trên không chỉ để phục vụ mục tiêu xa là Á vận hội diễn ra ngay tại sân nhà của Việt Nam mà cho cả kế hoạch gần, như Asian Games 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), cho Olympic 2016 ở Brazil, tạo tiền đề cho cả tương lai phía trước nữa.
Lâu nay, giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực của thể thao Việt Nam cho các sân chơi lớn thường chậm hơn nhiều so với yêu cầu thực tế, dẫn đến bị động và không hội tụ được tốt nhất mọi nguồn lực để hướng đến thành tích cao cho dù thể thao Việt Nam có nhiều nhân tài xuất chúng, rất triển vọng nếu được chăm chút kỹ lưỡng. Tiếc rằng, chúng ta vẫn luôn chịu thua thiệt ở những cuộc tranh tài ngay trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến cấp châu lục hay thế giới.
Bài học Asian Games 2010 hay Olympic 2012 đã nói lên tất cả. Tính toán sai chiến lược, chuẩn bị nhân sự hời hợt và chủ quan với chính lộ trình phát triển của mình đã đẩy thể thao Việt Nam từ ước vọng “hóa rồng” xuống tình trạng mất niềm tin vì liên tiếp thất bại. VĐV giàu tiềm năng đoạt HCV Olympic như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện doping trước khi Á vận hội 2010 khởi tranh, các môn trọng điểm như taekwondo, điền kinh, bơi lội, bắn súng, rowing, cầu lông, bóng bàn… rơi rụng dần vì tầm mức đầu tư chưa đến nơi đến chốn.
Chính vì vậy, để chuẩn bị cho một cuộc tranh tài lớn, diễn ra gần hay xa thì điều quan trọng nhất vẫn là cách hoạch định chiến lược của giới chức thể thao Việt Nam. Muốn hái quả ngọt sớm, đương nhiên phải “trồng cây” sớm.
Có một thói quen rất đáng loại bỏ khỏi tư duy những người làm thể thao ở Việt Nam, tức là kiểu nói nhiều làm ít. Có một dạo, giới chức thể thao từng tuyên bố sẽ chuẩn bị một lực lượng VĐV hùng hậu, được đầu tư đặc biệt từ 30 - 50 người cho đấu trường Olympic, đảm bảo sẽ có HCV ở sân chơi khắc nghiệt nhất này. Thế nhưng, từ lời hứa đến hành động lại không nhịp nhàng.
Thể thao Việt Nam vẫn đầu tư dàn trải, thiếu tập trung nên mặc dù trong tay chúng ta có khá nhiều VĐV tài năng xuất chúng, vẫn vô vọng trong cuộc chạy đua đến đỉnh vinh quang Olympic. Sau tấm HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, tấm HCB của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008, tồn tại một tâm lý rất chủ quan, rằng thể thao Việt Nam đang sở hữu những VĐV hàng đầu thế giới, đủ khả năng tranh đoạt HCV ở bất cứ đấu trường nào. Vì thế, sự chủ quan và hời hợt trong chiến lược đầu tư đã khiến thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic London 2012, suýt chút nữa lâm vào cảnh “trắng HCV” tại Asian Games 2010.
* * *
Nhân tài thể thao của Việt Nam hiện thời có thể không đông đảo giống như cách đây 4 hay 5 năm, nhưng những điểm sáng như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi (bơi lội), Quách Thị Lan, Dương Thị Việt Anh, Ngọc Diễm, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh)… cũng có thể coi là xuất chúng và rất đáng để chăm bẵm đầu tư nhiều hơn nữa.
Như thế để thấy, chiến lược xây dựng nguồn nhân lực mà Vụ Thể thao thành tích cao đang đảm nhận quan trọng ra sao đối với thành công ở tương lai nền thể thao nước nhà. Tiếc rằng, có vẻ như năng lực đánh giá tầm quan trọng của chiến lược đầu tư nguồn nhân lực từ Vụ Thể thao thành tích cao - Vụ quan trọng nhất của Tổng cục TDTT - lại chưa đáp ứng được sự kỳ vọng từ nhiều phía. Thế cho nên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng tỏ ra sốt ruột cho tương lai của thể thao nước nhà xem ra cũng là điều dễ hiểu.
LÊ QUANG