
Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản, Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nhựa – Cao su và Đào tạo tiết kiệm năng lượng tổ chức đào tạo, phổ biến các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các trung tâm tư vấn, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán năng lượng và các doanh nghiệp trọng điểm trên điạ bàn TPHCM. Đây là một bước quan trọng nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ các kiểm toán viên năng lượng, có đủ kiến thức và năng lực để hỗ trợ các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện hiệu quả luật sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Sử dụng năng lượng mặt trời là cách để tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất (Khách sạn Sài Gòn sử dụng máy tắm nước nóng năng lượng mặt trời
Tốc độ tiêu thụ năng lượng tăng nhanh
Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng nước ta tăng cao. Thống kê cho thấy, năm 2008 mức tiêu thụ năng lượng nước ta đạt hơn 43 triệu tấn dầu quy đổi. Đến năm 2010, con số này tăng lên là khoảng 49 triệu tấn và dự kiến đến năm 2020 là khoảng 100 triệu tấn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực nước ta lớn. Cụ thể, trước hết đây là nhu cầu khách quan đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội với tốc độc cao trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa.
Phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển giao thông vận tải và mức sống không ngừng được nâng cao ở phần lớn các gia đình. Chỉ tính riêng về mặt dân số thì với gần 86 triệu người và mỗi năm tăng thêm gần 1.000 người, nhu cầu năng lượng cho mục đích dân dụng là rất lớn. Thế nhưng còn nguyên nhân khác khiến cho nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao là tình trạng lãng phí năng lượng. Nguyên nhân này xuất phát từ việc phần lớn công nghệ sản xuất nước ta lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng; việc quản lý năng lượng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; thói quen sử dụng lãng phí năng lượng còn tồn tại trong đại đa số người dân….
Một minh chứng rõ nhất là hiện cường độ năng lượng trong sản xuất công nghiệp nước ta còn khá cao. Để làm ra cùng một giá trị kinh tế, sản xuất công nghiệp của nước ta cần sử dụng năng lượng nhiều hơn 1,5 – 1,7 lần so với một số nước trong khu vực. Còn so với một số nước tiên tiến như Nhật Bản thì con số trên còn cao hơn 5,5 lần. Xuất phát từ tình hình đó, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Hơn nữa, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ thông qua.
TPHCM ra sức tiết kiệm năng lượng
Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công thương TPHCM cho biết, bắt đầu từ năm 2012, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng sẽ quyết liệt thực hiện giám sát biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp. Trước hết sẽ tiến hành rà soát và xử lý đối với những doanh nghiệp trọng điểm, có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Những doanh nghiệp không tuân thủ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, không có cán bộ quản lý hoặc không có báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hiệu quả định kỳ sẽ có thể bị xử phạt. Mức phạt có thể lên đến 30 triệu đồng. Song song với việc kiểm tra, xử phạt, sở cũng đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật Nhựa – Cao su và Đào tạo quản lý năng lượng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của TP và các tỉnh phía Nam. Đây cũng là trung tâm hoạt động theo Nghị định 115 trực thuộc Sở Công thương và đã được UBNDTPHCM chính thức giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý năng lượng trên địa bàn thành phố.
PGSTS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, sử dụng nhiều năng lượng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Số liệu quan trắc chất lượng không khí tại nước ta trong 5 năm lại đây cho thấy nồng độ ô nhiễm liên tục gia tăng. Nhất là tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do hoạt động sản xuất, giao thông tăng nhanh đã phát sinh quá nhiều khí thải. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải quá ít, chưa đầy 1/10 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Do vậy mà nước ta luôn bị xếp trong tốp 10 nước có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Có thể nói, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không những giúp cải thiện chất lượng môi trường nhờ giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, việc phát triển song song hai giải pháp hỗ trợ đồng thời kiên quyết xử lý những đơn vị chưa thực hiện tiết kiệm năng lượng là cần thiết giúp cải thiện chất lượng môi trường sống hiện nay.
HOÀNG LAM