Nhật Bản tập trung năng lực phòng thủ

Ngày 17-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi công bố các ưu tiên chính sách đối ngoại của chính phủ nước này trong thời gian tới, bao gồm cam kết tăng cường liên minh Nhật Bản - Mỹ, đồng thời nâng cấp năng lực phòng thủ nhằm đảm bảo hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một cuộc tập trận của binh sĩ Nhật Bản vào năm 2020
Một cuộc tập trận của binh sĩ Nhật Bản vào năm 2020

Cải cách lớn

Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ của quốc hội, Ngoại trưởng Hayashi nêu rõ Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và ứng phó của liên minh Nhật - Mỹ và để đảm bảo điều này, Tokyo cơ bản cần đẩy mạnh các năng lực phòng thủ. Quỹ quốc tế Vivekananda từng nhận định thế trận an ninh của Nhật Bản dường như đang hướng tới một cuộc cải cách lớn vì nước này cảm thấy buộc phải ứng phó với những thách thức đang nổi lên trong môi trường an ninh thay đổi ở khu vực lân cận. Những tranh cãi với Trung Quốc trong các vấn đề lãnh thổ cùng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã khiến Nhật Bản phải suy nghĩ nghiêm túc về việc bảo vệ an ninh quốc gia. 

Trong bài phát biểu về chính sách hồi tháng 12 năm ngoái tại phiên họp bất thường của Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố đánh giá sâu rộng chính sách quốc phòng của đất nước. Ngoài ưu tiên củng cố nền kinh tế trước lạm phát toàn cầu bằng cách đảm bảo tiền lương được tăng lên để bảo vệ sinh kế và thúc đẩy tiêu dùng, ông Kishida cũng đưa ra tầm nhìn chính sách khi giải thích lý do tại sao chính phủ ông đang tìm kiếm một ngân sách bổ sung lên tới hơn 300 tỷ USD.

Ngân sách này bao gồm đề xuất ngân sách chi tiêu quốc phòng tăng thêm hơn 6,75 tỷ USD cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2022, nâng tổng ngân sách lên mức kỷ lục 53,29 tỷ USD. Ngân sách bao gồm việc trang bị hệ thống tên lửa mới, máy bay tuần tra hàng hải và tên lửa không đối không.

Thủ tướng Nhật Bản nhận thấy cuộc tranh luận sửa đổi Hiến pháp Hòa bình ban hành năm 1947, đặc biệt là Điều 9 về việc từ bỏ chiến tranh, là quá phức tạp. Do đó, việc xem xét mua vũ khí để tấn công phủ đầu đối thủ được coi là một lựa chọn thay thế tốt hơn.

Theo ông Hayashi, liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhằm thực hiện hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh nỗ lực thông qua việc phối hợp với các đồng minh và đối tác, gồm Australia, Ấn Độ, các thành viên ASEAN và các nước châu Âu.

Sau khi Triều Tiên phóng 2 vật thể bay mà Tokyo cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, sáng 17-1, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố vụ phóng đã đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản cũng như của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác, giải quyết thách thức 

Liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản sẽ nỗ lực thiết lập mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định thông qua hợp tác giải quyết các thách thức chung trong bối cảnh năm nay đánh dấu 50 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng biển Hoa Đông, đồng thời cho biết Tokyo sẽ có cách tiếp cận bình tĩnh và kiên quyết về vấn đề này. 

Về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Hayashi nêu rõ Nhật Bản sẽ nỗ lực đạt được giải pháp toàn diện cho các vấn đề như công dân Nhật Bản bị bắt cóc trước đây cũng như các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Thông qua hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với việc đảm bảo thực thi các nghị quyết của Liên hiệp quốc nhằm cấm Bình Nhưỡng phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Trong quan hệ với Hàn Quốc, ông Hayashi đánh giá quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang rất xấu và cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hối thúc Hàn Quốc có hành động phù hợp… 

Tin cùng chuyên mục