Nhật Bản tôn tạo văn hóa của người bản địa

Trên một bờ hồ trong rừng Poroto gần thị trấn Shiraoi ở Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản, chính phủ nước này đang xây dựng một khu phức hợp công viên và bảo tàng quốc gia để tôn vinh cộng đồng người Ainu (người bản địa) có nền văn hóa bị thất truyền.
Một buổi sinh hoạt văn hóa của người Ainu
Một buổi sinh hoạt văn hóa của người Ainu

Với chi phí lên tới 220 triệu USD, công trình này là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thu hút hàng triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản, cũng như nâng cao giá trị nhân văn của Nhật Bản khi nước này chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2020.

Công trình mang tên Upopoy, tiếng Ainu có nghĩa là “hát với nhau”, là khu phức hợp bao gồm một bảo tàng, một bản sao ngôi làng của người Ainu ở Hokkaido bị phá hủy từ thế kỷ 19 và một đài tưởng niệm chứa xương của hàng trăm người Ainu. Đối với một số người Ainu còn sống sót (chưa biết con số chính xác là bao nhiêu), dự án nhấn mạnh đến việc Nhật Bản đang muốn tôn tạo một nền văn hóa độc đáo sau khi người Ainu được hiến pháp chính thức công nhận vào năm 2008.

Các học giả nói rằng, người Ainu định cư ở đảo Hokkaido cực Bắc Nhật Bản và ở khắp khu vực Sakhalin (thuộc Nga ngày nay) vào những năm 1300. Họ săn bắn, đánh bắt, thực hành một tôn giáo và nói một ngôn ngữ riêng biệt. Nhật Bản nắm quyền kiểm soát Hokkaido trong thế kỷ 19. Sau khi đưa người định cư nơi đây, người Ainu dần dần bị đồng hóa. Một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy, có hơn 13.000 người Ainu ở Hokkaido. Năm 2009, sau khi ký Tuyên bố của Liên hiệp quốc về quyền của người bản địa, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xem xét cách thiết lập một chính sách mới cho người Ainu.

Trình độ văn hóa của người Ainu có phần thấp hơn so với mặt bằng chung ở Nhật Bản, trẻ em Ainu có khả năng vào đại học chỉ bằng một nửa so với các hộ gia đình khác của Nhật Bản. Do nhiều vấn đề lịch sử để lại, vẫn còn nhiều người giữ bí mật danh tính là người Ainu của họ, ngay cả với con cái.

Một nhóm đại diện cho khoảng 2.000 người Ainu đã tuyên bố ủng hộ dự án xây bảo tàng nói trên của Chính phủ Nhật Bản, cho rằng công trình sẽ mang lại lợi ích kinh tế thông qua du lịch và là diễn đàn văn hóa nghệ thuật của người Ainu. 5 trong số 20 người phụ trách bảo tàng mới là người Ainu. Tại một trường học cũ cách nơi xây dựng bảo tàng không xa, người Ainu đang sưu tầm nhiều vật dụng truyền thống như áo khoác Ainu, dao, gậy nghi lễ và dây chuyền đính cườm. Trong nhà thi đấu, các vũ công cũng đang ra sức tập luyện để chuẩn bị biểu diễn cho du khách. Hachiya, 36 tuổi, ca sĩ người Ainu cùng với một số nghệ sĩ người Ainu khác, có thể được mời trình diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè ở Tokyo năm 2020.

Công ty Đường sắt Hokkaido (JR Hokkaido) sẽ bắt đầu khai trương các chuyến tàu sử dụng ngôn ngữ Ainu từ mùa xuân năm 2020. Hệ thống này được thiết lập trùng với thời điểm dự kiến khai trương Upopoy ở Shiraoi, Hokkaido, vào tháng 4. Cơ sở này đánh dấu một nhận thức mới về vai trò của người Ainu là người bản địa của Nhật Bản. Công ty đường sắt cho biết, họ rất muốn giúp thúc đẩy sự hấp dẫn văn hóa mới.

Khi một chuyến tàu tốc hành đến ga Shiraoi, điểm dừng chân gần nhất của bảo tàng, sẽ có thông báo bằng tiếng Ainu: “Đối với hành khách đến thăm bảo tàng và Công viên Ainu quốc gia, Upopoy, vui lòng xuống tàu tại Ga Shiraoi”. Sau đó, thông báo này được dịch lại bằng tiếng Nhật. Một lời chào được ghi lại bằng ngôn ngữ Ainu cũng sẽ được phát trên một số chuyến tàu tốc hành khởi hành từ ga Sapporo và ga sân bay Shin-Chitose.

Tin cùng chuyên mục