Từ thư bạn đọc

Nhếch nhác gầm cầu

Nhếch nhác gầm cầu

Bạn đọc Báo SGGP phản ánh không gian dưới các gầm cầu Kênh Tẻ (Q4, Q7), Tân Thuận 2 (Q7), Chánh Hưng, Nguyễn Tri Phương (Q8)… bị người dân chiếm dụng bày bán cà phê, phơi phóng quần áo, thậm chí làm chỗ ngủ, giữ xe tự phát. Không ít điểm trở thành ổ hút chích, mại dâm... gây cảnh nhếch nhác, trái với chủ trương thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM.

Nhếch nhác gầm cầu ảnh 1
Kinh doanh cà phê dưới gầm cầu Kênh Tẻ (P3 Q4).

Dưới gầm cầu Kênh Tẻ (phía P3 Q4) không được rào chắn, nên có ít nhất 3 hộ chiếm dụng kinh doanh cà phê. Khách đến uống, dựng xe bừa bãi trên lòng, lề đường; nơi đây cũng là nơi mấy bác xe ôm, taxi trong lúc chờ khách tụm năm tụm bảy sát phạt nhau bằng trò đỏ đen. Rồi những người thu lượm ve chai sau một ngày đi “làm ăn”, đem sản phẩm về đây bày ra phân loại.

Càng nhếch nhác hơn khi một số hộ dân lân cận, nếu có sửa hoặc xây nhà thì chọn nơi đây làm chỗ tập kết vật liệu xây dựng. Ông Lâm Văn Bé, nhà gần gầm cầu, than thở: “Ban ngày cảnh nhếch nhác thấy rõ, ban đêm nhiều thanh thiếu niên tập trung ăn nhậu, la hét làm náo loạn cả khu phố. Tình trạng trên xảy ra đã khá lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn không can thiệp…”.

Tương tự, dưới gầm cầu Chánh Hưng (P5 Q8) sau 17 giờ hàng ngày có trên 10 người ăn xin tụ tập về ngủ nghỉ, kể cả tiểu, đại tiện tại đây khiến khu vực gầm cầu rất bẩn thỉu. Bên kia cầu Chánh Hưng (P9 Q8), gầm cầu là nơi trung chuyển rác, quán nhậu, nơi phơi phóng chăn màn, quần áo các loại.

Nhếch nhác gầm cầu ảnh 2
Gầm cầu Nguyễn Tri Phương (P9 Q8) là nơi “tập kết” rác.

Gầm cầu Nguyễn Tri Phương (P9 Q8) cũng chưa được sử dụng hợp lý. Gầm cầu này có 2 đoạn, trong đó đoạn đầu được rào chắn cẩn thận bằng lưới B40 nhưng không hiểu sao cũng bị cắt phá và chiếm làm nơi kinh doanh ăn nhậu. Đoạn còn lại dành cho việc … đổ rác, tiểu tiện.

Được biết, trước đây UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty Quản lý công trình cầu phà (QLCTCP) TP chuyển đổi không gian 10 gầm cầu thành điểm gửi xe riêng biệt. Các đơn vị tổ chức giữ xe phải trích nộp cho ngân sách QLCTCP TP để đơn vị này có kinh phí duy tu gầm cầu.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có vài gầm cầu được đưa vào hoạt động giữ xe như gầm cầu Ông Lãnh (Q1, Q4) và gầm cầu Nguyễn Tri Phương (P6 Q5). Theo bà Tạ Thị Hồng Tâm, Giám đốc Công ty QLCTCP, đơn vị thuê gầm cầu Ông Lãnh đã không giữ an toàn được khu gầm cầu và không thực hiện nghĩa vụ tài chính, do đó, trong quý 2-2009, công ty sẽ thu hồi lại mặt bằng gầm cầu để thực hiện dự  án “mảng xanh” và sẽ cho đơn vị khác thuê giữ xe.

Hiện nay TPHCM đang rất thiếu mặt bằng để tổ chức bãi giữ xe, việc trưng dụng gầm cầu được xem là giải pháp tốt cho bài toán khan hiếm điểm gửi xe, nhưng không hiểu tại sao phần lớn các gầm cầu lại bị bỏ ngỏ, để nhiều người chiếm dụng, trục lợi riêng.

NGỌC HIẾU

Tin cùng chuyên mục