Các hầm chui và cầu vượt được ngân sách đầu tư kinh phí khá lớn nhằm phục vụ người dân qua đường an toàn, tránh ùn tắc giao thông. Thế nhưng hiện nay nhiều hầm chui tại TPHCM đã bị phóng uế bừa bãi, thường xuyên ngập nước, thành nơi tụ tập hút chích của những con nghiện và “dân anh chị”, người đi đường không dám qua.
Hầm chui đáng ngại
Khi mới được đưa vào sử dụng, hầm chui ở chân cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh băng qua quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đã giúp giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, giờ đây trong hầm chui đã rất mất vệ sinh do bị đọng nước, nhiều rác và kim tiêm, đến nỗi không còn ai dám đi qua.
Vừa bước vào hầm chui này, mùi hôi thối từ chất thải hỗn tạp xông thẳng lên mũi khiến chúng tôi phải nín thở. Từ bậc cầu thang lên xuống đến bên trong hầm chui đều bị phóng uế bừa bãi và kim tiêm vương vãi khắp nơi. Những thanh inox của lan can đã bị tháo gỡ lấy mất gần hết. Mặc dù mấy ngày trước trời không mưa, nhưng trong hầm chui nước ngập giống như một ao sâu hơn nửa mét. Nước đục ngầu, nhiều túi ni lông và rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Một người dân sống gần đấy cho biết: “Hầm chui này đưa vào hoạt động đã hơn 1 năm nay, nhưng nay không ai dám bước xuống, vì dưới đó là “nhà” của tụi chích choác ma túy tụ tập. Bọn chúng ăn ngủ nghỉ, phóng uế bừa bãi ngay trong hầm. Người dân đã phản ánh với công an địa phương nhưng tệ nạn này vẫn tiếp diễn. Hơn 3 tháng nay hầm chui này bị ngập nước, cũng chẳng thấy ai xử lý khắc phục, biến thành hầm nước ngập, mùi thối bốc nồng nặc, nên con nghiện mới “di cư” sang hầm chui gần đó”.
Cách đó không xa là hầm chui băng qua dưới đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (huyện Bình Chánh), đi xuống đây chúng tôi cũng thấy tình trạng rác thải khắp nơi trong hầm, nhiều kim tiêm của con nghiện vứt bừa trên các bậc cầu thang. Nghe có tiếng người, chúng tôi cũng đỡ sợ, bước xuống hầm, nhưng thấy một tốp thanh niên đang tụ tập trong đó, một nhóm ngồi đánh bài, những người còn lại nằm la liệt chiếm hết cả đường đi, cứ như đây là nhà riêng vậy. Đã vậy, tốp thanh niên này đều cởi trần khoe những hình xăm rồng rắn xanh lè khắp người. Khi thấy có người lạ bước xuống đám thanh niên này liếc nhìn, chúng tôi hoảng hốt quay lên. Chắc chắn chứng kiến cảnh đó chẳng ai dám bước tiếp để qua hầm chui sang bên kia đường.
Hai hầm chui khác băng qua quốc lộ 1A là hầm chui Tân Tạo (huyện Bình Tân) và Linh Xuân (quận Thủ Đức) đỡ hơn, có nhiều người qua lại. Tuy nhiên, nhiều người kéo đến đây buôn bán, thành điểm họp chợ tự phát. Mỗi ngày, vào giờ tan ca, xe ba gác, xe máy chở đầy rau củ tập trung ngay đầu hầm chui để bán cho công nhân. Thế nên nhiều người ngại phải chen lấn giữa dòng người đang mua bán, đã chọn cách băng qua quốc lộ cho nhanh, vô cùng liều lĩnh, bất chấp rất nhiều xe lớn chạy qua đây với tốc độ cao. Khi chợ tự phát họp xong, rác và túi ni lông xả lại khắp hầm chui tạo nên một cảnh tượng rất nhếch nhác.
Nơi cần không có, nơi có không cần
Trong nội thành TPHCM có nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ, nhưng rất ít người sử dụng. Điều dễ thấy là do việc chọn vị trí làm cầu vượt không hợp lý: các cầu vượt trước các bệnh viện Ung Bướu, Nguyễn Trãi và Từ Dũ đều không được ai sử dụng, vì cách đó không xa là giao lộ có đèn giao thông, có thể băng qua đường dễ dàng khi đèn đỏ, thay vì phải vất vả leo cầu thang rất cao để lên xuống cầu vượt.
Dường như mục đích đầu tư xây dựng cầu vượt ở đây chỉ nhằm kết nối hai cơ sở của các bệnh viện này nằm ở hai bên đường, thế nhưng ngay cả các bệnh nhân và bác sĩ của bệnh viện đều chọn cách đi dưới đường cho nhanh. Nhiều cầu vượt khác trong nội thành dành cho người đi bộ cũng rất ít người sử dụng vì ngại leo lên xuống cầu thang vất vả trong khi có thể qua đường ở giao lộ, mặt khác cũng vì e ngại khi thấy trên mặt cầu vượt và cầu thang có nhiều rác, kim tiêm.
Chỉ có cầu vượt dành cho người đi bộ trước cổng khu du lịch Suối Tiên là được nhiều người đi - do băng qua xa lộ Hà Nội nhiều xe lớn lưu thông và giữa đường có rào chắn không qua được nên người đi bộ bắt buộc phải đi lên cầu vượt. Nhưng tại đây, trên mặt cầu đã trở thành nơi buôn bán hàng rong rất nhếch nhác, cản trở lối đi. Cầu vượt này lại quá cao, trẻ em, người già yếu và người phải mang vác hành lý rất khốn khổ khi leo lên leo xuống. Lẽ ra trước khu du lịch Suối Tiên rất đông người có nhu cầu qua đường, nơi đây làm hầm chui sẽ phù hợp hơn.
Trong khi ở nội thành có nhiều cầu vượt bộ hành bị bỏ không, người dân sống và làm việc ở hai bên quốc lộ 1A đoạn qua TPHCM mong có một cầu vượt để đi qua đường, lại không có. Sau khi lắp rào chắn thật cao nhằm ngăn người băng ngang quốc lộ 1A để tránh xảy ra tai nạn giao thông, ngành giao thông lại không làm cầu vượt cho người đi bộ có thể qua đường. Nhiều người muốn băng qua bên kia đường phải đi quãng đường vòng rất xa.
Hầm chui, cầu vượt đều là công trình đầu tư công với kinh phí không nhỏ nhưng lại không được khảo sát, quy hoạch xây dựng hợp lý để đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Khi đưa vào sử dụng lại không có sự quản lý chăm sóc nên rất lãng phí, không mang lại hiệu quả, bị biến thành nơi tụ tập buôn bán, thậm chí thành ổ tệ nạn và ổ dịch. Để hầm chui và cầu vượt bộ hành được sử dụng hiệu quả, nhất thiết phải có sự quản lý, chăm sóc, bảo vệ để giữ sạch sẽ, trật tự, an toàn.
THANH HẢI