Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp TPHCM

Nhiệm vụ hàng đầu năm 2005

Kế hoạch năm 2005 đề ra mức tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn TPHCM 15,5%, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp 17%. Đây là mục tiêu không dễ dàng đối với các doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức của thương trường…
Nhiệm vụ hàng đầu năm 2005

Kế hoạch năm 2005 đề ra mức tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn TPHCM 15,5%, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp 17%. Đây là mục tiêu không dễ dàng đối với các doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức của thương trường… 

  •  Dự báo nhiều bất trắc  
Nhiệm vụ hàng đầu năm 2005 ảnh 1
Sản xuất sữa đậu nành đóng chai ở Công ty cổ phần Tribeco

Năm 2004 đã trôi qua với nhiều bất trắc khó lường đối với các doanh nghiệp, nhưng ngành công nghiệp trên địa bàn TPHCM, bằng nhiều nỗ lực, đã đạt mức tăng trưởng trên 15%. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, dù đạt mức tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không được như mọi năm, nhiều doanh nghiệp đã giảm lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng quá lớn. Công ty Xi măng Hà Tiên giảm lợi nhuận gần 100 tỷ đồng vì giá clinker nhập khẩu tăng mạnh. Công ty Bông Việt Nam thiệt hại thêm gần 5 tỷ đồng, chỉ vì đồng USD bất ổn, qua một hợp đồng mua trả chậm thiết bị. Đó chưa kể do giá bông thế giới đang cao ở những tháng đầu năm bỗng tuột xuống thấp khi vào vụ thu hoạch, làm cho doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép.
 
Bước qua năm 2005, nhiều dự báo cho thấy chi phí đầu vào tiếp tục tăng giá và khá bất ổn. Trong những ngày cuối năm 2004, thị trường lại sôi lên bởi thông báo tăng giá than cho các hộ công nghiệp. Với mức tăng này, chi phí đầu vào của nhiều ngành như thép, hóa chất, xi măng… sẽ tăng bình quân 17%, và đây cũng là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác. Quả là một thách thức rất lớn trong điều kiện thị trường trong nước bị cạnh tranh bởi hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam được giảm thuế và hàng hóa từ Trung Quốc đổ vào, bởi áp lực di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư ra KCN và vùng phụ cận.

Ngoài những lo lắng này, theo ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TP, một khó khăn nữa là ngành công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là gia công chế biến, sản xuất theo đơn đặt hàng nên thiếu tính bền vững, lệ thuộc nhiều vào khách hàng. Cũng do đặc thù này nên ngành công nghiệp TP phải sử dụng quá nhiều lao động giản đơn, và hậu quả là giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, nhưng dân nhập cư vào thành phố làm việc tăng thêm nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng xuống cấp. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của các ngành công nghiệp TP trong năm 2005 là phải thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tập trung đầu tư vào những loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao.  

  • Phối hợp đồng bộ

 Làm gì để vượt qua những khó khăn nhằm thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp là chuyện không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, cửa ải họ phải vượt qua chính là áp lực của bộ máy hành chính và môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh. Ông Nguyễn Văn Lai cho biết, bộ máy hành chính của thành phố còn chậm chạp trong giải quyết các đề xuất của các ngành chức năng. Chẳng hạn, chỉ riêng việc phê chuẩn kết quả Đại hội Hiệp hội Cơ khí TP, trong đó ông được bầu làm Chủ tịch hiệp hội cũng mất gần một năm. Tuy Văn phòng UBND TP đã áp dụng quản lý theo ISO, thế nhưng quá trình quản lý hồ sơ và quy trình giải quyết vẫn còn nhiều ách tắc, làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần có biện pháp hỗ trợ cần thiết và kịp thời.
 
Thêm vào đó, nhiều ngành nghề được đầu tư trùng lắp, vừa không hiệu quả, gây lãng phí, vừa cạnh tranh với nhau để giành giật thị trường. Vì vậy, theo Giám đốc Sở Công nghiệp TP - Nguyễn Văn Lai, để thực hiện tốt các nhóm giải pháp do ngành công nghiệp đề ra nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành chức năng. Đó là sự phối hợp giữa trung ương, địa phương và vùng kinh tế trọng điểm trong quy hoạch, sản xuất, đề ra các chính sách về thu hút đầu tư, đất đai, tài chính, thuế; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến trình sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập …

VĂN THIÊN LỘC 

 Nhóm giải pháp thực hiện chuyển dịch cơ cấu:
 - Nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp truyền thống có tỷ trọng cao như lương thực, thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày, cao su, nhựa… bằng cách tự thiết kế mẫu mã để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng mạng lưới-tiếp thị-hệ thống phân phối.
 - Chuyển dịch cơ cấu từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang những ngành có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung phát triển các ngành điện tử, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, cơ điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí gia dụng, đóng tàu…

Tin cùng chuyên mục