Chưa có tiền lệ
Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Anh - Pháp nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, các lực lượng răn đe hạt nhân độc lập của hai nước có thể phối hợp với nhau. Theo Tổng thống Pháp, đây là quyết định chưa có tiền lệ. Paris và London từng ký một tuyên bố chung năm 1995, nêu rõ “không có tình huống nào mà lợi ích sống còn của một bên bị đe dọa còn của bên kia không bị”, nhưng không đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân.
Chuyên gia Jean-Louis Lozier, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), động thái trên có thể cho phép hai cường quốc hạt nhân của châu Âu đáp trả trong trường hợp Mỹ phản ứng hơi chậm trước một cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh của châu Âu.

Trong một cuộc tọa đàm của Kênh Truyền hình France Info được tổ chức sau tuyên bố của hai lãnh đạo Anh, Pháp, nhà phân tích địa chiến lược người Pháp Michel Fayad cho rằng Mỹ đang muốn rút lui, ít nhất là một phần, khỏi các cam kết của họ với châu Âu. Vì vậy, điều quan trọng đối với Pháp và Anh là xác lập một thỏa thuận liên kết mới, không chỉ của hai nước mà còn của toàn bộ châu Âu.
Có những giới hạn
Ông Emmanuel Dupuy, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại châu Âu (IPSE), nhận định, hợp tác về răn đe hạt nhân nói riêng và quốc phòng nói chung giữa Anh và Pháp có thể trở thành một trụ cột của an ninh châu Âu. “Chúng ta đang từng bước tiến tới ý tưởng rằng Anh và Pháp gắn bó mật thiết, tạo ra thành phần cốt lõi của châu Âu về quốc phòng, không chỉ của riêng Liên minh châu Âu vì Anh không còn nằm trong khối”, ông Dupuy nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng phối hợp răn đe hạt nhân Pháp - Anh trước hết mang ý nghĩa chính trị là chủ yếu. Để việc hợp tác thực sự có thể diễn ra cần những điều chỉnh cụ thể về học thuyết hạt nhân của hai nước cũng như các chiến lược, phương tiện cho phép phối hợp.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Pháp Cnews, Tướng Jean-Paul Paloméros, cựu quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhấn mạnh đến mối quan hệ phụ thuộc của Anh vào Mỹ về chiến lược hạt nhân như một trở ngại lớn cho các hợp tác Anh - Pháp.
Theo ông Paloméros, cho đến nay, Anh chỉ có 4 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng những tên lửa sử dụng là Trident do Mỹ sản xuất.
Những máy bay F-35 mà Anh mua mang theo bom hạt nhân cũng đều là của Mỹ; việc sử dụng nằm trong phạm vi cho phép của Chính phủ Mỹ. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của London vào Washington. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa Anh-Pháp về quốc phòng sẽ có những giới hạn.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Macron đã khẳng định Paris sẵn sàng đặt châu Âu dưới sự bảo vệ của hệ thống răn đe hạt nhân của Pháp. Đức sau đó cũng phát tín hiệu hưởng ứng.
Trong giới chính trị và chuyên gia châu Âu đã bắt đầu có nhiều thảo luận về ý tưởng xây dựng hệ thống răn đe hạt nhân của riêng châu lục. Vũ khí hạt nhân châu Âu hay lực lượng quốc phòng chung đang là các vấn đề gây bất đồng sâu sắc trong nội bộ châu Âu.