Đổi mới cách làm
Tại hội nghị, 14 doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối đã đưa ra hàng loạt sản phẩm cần được cung ứng thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo và ngành y tế kỹ thuật cao. Nhiều DN nội cho rằng, những sản phẩm trên không khó để sản xuất.
Ông Tống Viết Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành cho biết, hiện công ty đang cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều Tập đoàn toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda, Panasonic… Những sản phẩm cung ứng tập trung chủ yếu là khuôn mẫu, sản phẩm xi mạ…
Cũng theo ông Cường, để có thể nhận được những đơn đặt hàng của các tập đoàn FDI trên, ngoài việc phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí về chất lượng, giá cả thì doanh nghiệp còn phải đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, giao hàng “on time” (đúng giờ)… Trong đó, phải kể đến tiêu chí rất khó là giao hàng quay đầu xe trong vòng 2 giờ và có giá cả phải mang tính chất cạnh tranh toàn cầu.
Trên thực tế, những tiêu chuẩn trên của các DN FDI rất minh bạch. DN trong nước đã có thời gian dài đủ để tiếp cận và điều chỉnh nội lực sản xuất sao cho phù hợp với yêu cầu. Quy trình này mất rất nhiều thời gian và chi phí để thực thi nhưng bù lại một khi đã được chấp nhận, DN sẽ ổn định được sản xuất cũng như có được cơ hội cung ứng rất lớn.
Nhìn nhận chung về năng lực cung ứng sản phẩm phụ trợ của DN trong nước, nhiều DN FDI khẳng định, đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Những DN tham gia hội nghị kết nối cung cầu công nghiệp hỗ trợ lần này cũng đã và đang tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng của các DN FDI. Đại diện Công ty TNHH Panasonic cho biết, tại 7 nhà máy Panasonic đang hoạt động ở Việt Nam, tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa đã chiếm 65% về số lượng và 35% về giá trị. Còn về phía Tập đoàn Samsung, hiện đã tìm được 45/200 DN cần cho chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Do vậy, cơ hội để họ mở rộng hơn khả năng cung ứng của mình là hoàn toàn khả thi.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Khu công nghệ cao TPHCM cho rằng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu vừa qua đã buộc nhiều DN FDI phải đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như gia tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại chỗ. Điều này đã tạo cơ hội rất lớn cho DN trong nước gia nhập nhanh chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là những DN vốn có năng lực nhưng còn hạn chế khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, DN cung ứng của Việt Nam vẫn chỉ cung ứng những sản phẩm giản đơn mà chưa tham gia cung ứng sản phẩm giá trị cốt lõi nên giá trị gia tăng không cao, khó cải thiện vị trí thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân cũng đã được nhiều DN chỉ ra là dù có rất nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, quỹ đất, thuế… nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp. Thời gian giải ngân vốn rất chậm trong khi giá đất tăng nhanh, nhất là tại những tỉnh thành tập trung nhiều DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Do vậy, DN cung ứng dù nỗ lực đổi mới cũng khó bắt kịp yêu cầu DN FDI đưa ra.
Trước thực tế đó, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cho DN trong nước, thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đã hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường cung ứng, gia cố năng lực sản xuất bằng cách cải thiện năng lực quản lý, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho và hàng lỗi…
Bên cạnh đó, việc duy trì thường niên hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ là cơ hội cho các DN sản xuất trong nước tìm được thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các DN nhỏ và vừa tích cực đổi mới, sáng tạo nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh, góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, DN công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM.