Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ

Nhìn lại 9 tháng thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội”, các đơn vị tại TPHCM đã cụ thể hóa mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ với nhiều cách làm thiết thực. Qua đó, góp phần vào thành quả chung của thành phố là tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt hơn 98%.
Cán bộ, công chức UBND quận 1, TPHCM tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp
Cán bộ, công chức UBND quận 1, TPHCM tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Giao ban các đầu mối để tháo gỡ khó khăn

Sau thời gian về Việt Nam sinh sống, vợ chồng bà Diep Nguyen (quốc tịch Pháp, ngụ TP Thủ Đức) có ý định đầu tư tại TPHCM và được bạn bè giới thiệu về Sổ tay đầu tư của Sở KH-ĐT TPHCM. Sổ tay này hệ thống lại những nội dung chính, cập nhật các quy định mới cần lưu ý đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Nhờ đó, vợ chồng bà Diep Nguyen hiểu rõ hơn các quy định cũng như thủ tục đầu tư để có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sổ tay đầu tư là một trong các giải pháp mà Sở KH-ĐT TPHCM thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của sở. Theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đào Minh Chánh, ngoài Sổ tay đầu tư, sở còn tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện các giải pháp cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư…

Bên cạnh cải cách hành chính, ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở KH-CN TPHCM, cho biết, đơn vị tập trung đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của công chức; gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến. Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức và thực hiện chính sách tinh giản biên chế; đổi mới đánh giá công chức cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thực thi công vụ.

Trong khi đó, Văn phòng UBND TPHCM tập trung kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đầu mối để đáp ứng việc nhân sự của các cơ quan thường xuyên thay đổi và triển khai các nội dung đảm bảo năng lực triển khai nhiệm vụ tại cơ sở. Ngoài ra, Văn phòng UBND TPHCM thường xuyên giao ban đầu mối để trao đổi, phản hồi khó khăn, vướng mắc của đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nhóm trên Zalo với thành viên gồm cán bộ đầu mối các cấp…

Là cơ quan thường trực triển khai, thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM và chủ trì tham mưu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hoạt động công vụ, Sở Nội vụ TPHCM đã tập trung tham mưu 3 nhóm nhiệm vụ. Đó là, xây dựng Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) thành phố ngang tầm nhiệm vụ; triển khai thực hiện quyết định của UBND TPHCM về ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM; xây dựng Đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của công chức thanh tra, kiểm tra công vụ giai đoạn 2022-2030. Đây là các nhóm nhiệm vụ để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của TPHCM giai đoạn 2022-2027.

Tạo sự phấn khởi trong CBCC-VC

Bên cạnh mặt đạt được, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân nhìn nhận, dù thành phố đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhưng trong hoạt động công vụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận CBCC-VC chưa rõ nét.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của CBCC-VC, theo ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, phải tạo được sự phấn khởi trong CBCC-VC. Cụ thể, cải thiện thời gian làm việc của công chức; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ phải phù hợp hơn. Trong đó, quy hoạch phải làm từ trên xuống, đối tượng cán bộ cấp nào quản lý thì cấp đó phải làm quy hoạch và quan tâm đến việc bổ nhiệm cán bộ tại chỗ; khi thu hút người giỏi về làm việc thì phải bố trí chức vụ để họ phát huy năng lực.

Nguồn: UBND TPHCM
Nguồn: UBND TPHCM

Ở góc độ khác, PGS-TS Huỳnh Văn Thới, Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nếu được thực hiện tốt sẽ mang đến hiệu quả nhiều chiều, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC-VC sở, ban, ngành thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao hoạt động công vụ, đóng góp tích cực vào việc đạt được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của thành phố.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Thới, bên cạnh các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng truyền thống, với nguồn lực của thành phố có thể liên kết với các tổ chức, chuyên gia nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng một số mảng, lĩnh vực cụ thể để khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong đội ngũ CBCC-VC sở, ban, ngành thành phố.

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TPHCM mới đây đã thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết mở rộng thêm nhiều đối tượng được hưởng chi thu nhập tăng thêm. Đó là động lực lớn để CBCC-VC tự rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Hạn chế tối đa những áp lực không cần thiết

Bất kỳ chủ trương, chính sách nào muốn đi vào thực tiễn cuộc sống thì không thể thiếu bộ phận thực thi, và công chức, viên chức là đội ngũ thực thi nhiệm vụ ấy. Vì vậy, để nâng cao hoạt động thực thi công vụ của CBCC-VC thành phố, tôi cho rằng đó là trách nhiệm của cả hai phía: cơ quan quản lý nhà nước và chính CBCC-VC.

Cụ thể, ngoài các chính sách về thu nhập, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đúng mức đến môi trường làm việc. Khi môi trường làm việc thuận lợi, hạn chế tối đa những áp lực không cần thiết thì sẽ tạo động lực, hứng thú để CBCC-VC phát huy được năng lực, sở trường của mình. Cùng với đó, quan tâm đến công tác đánh giá, biểu dương kịp thời CBCC-VC trong thực thi công vụ. Còn về phía CBCC-VC, ngoài thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm, họ cần nghiêm túc đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp thì chắc chắn hoạt động thực thi công vụ sẽ đạt hiệu quả.


Bà HOÀNG THỊ LỢI

Cán bộ hưu trí phường Bến Nghé, quận 1:

Nâng chất từ chính đội ngũ CBCC-VC

CBCC-VC là nguồn lực cơ bản của nền hành chính nhà nước, cũng là lực lượng chủ yếu thực thi các hoạt động công vụ của Nhà nước. Muốn đội ngũ CBCC-VC thực thi công vụ có hiệu quả, tôi cho rằng phải nâng chất chính đội ngũ này.

Trước hết là nâng chất từ khâu đầu vào, phải tuyển dụng được những cán bộ có bản lĩnh chính trị, có đạo đức cách mạng, có năng lực chuyên môn. Đồng thời, liên tục đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường rèn luyện để CBCC-VC không chỉ theo kịp mà còn đón đầu được xu hướng trong hoạt động công vụ. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là cải thiện mạnh mẽ thu nhập, trả lương theo hiệu quả công việc, tránh tình trạng cào bằng; đồng thời, công bằng trong việc tạo cơ hội thăng tiến, để CBCC-VC có động lực phấn đấu và cống hiến.

Song song đó, phát huy mạnh mẽ vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó tạo động lực cho CBCC-VC trong đơn vị học tập và làm theo, nâng cao hiệu quả công vụ. Qua đó cũng đánh giá, sàng lọc, đào thải những trường hợp không đảm bảo hiệu quả trong thực thi công vụ...

Tin cùng chuyên mục