Phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin tại Hạ viện Mỹ

Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam

° Bộ phim “Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến” phát sóng trên truyền hình Mỹ
Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam

° Bộ phim “Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến” phát sóng trên truyền hình Mỹ

Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam ảnh 1

Một hình ảnh trong phim “Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến”. Hai em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam đang sống tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ.

Trong phiên điều trần về hậu quả chất độc da cam Việt Nam do Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tổ chức, nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ thái độ ủng hộ, yêu cầu bồi thường và hỗ trợ cho những nạn nhân bị nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Tham gia cuộc điều trần có đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, một số nhà khoa học, luật sư, cựu chiến binh Mỹ, một số tổ chức phi chính phủ (NGO)... bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thành viên nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin.

Phát biểu tại phiên điều trần, các nghị sĩ lãnh đạo Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu đã khẳng định, chất độc da cam đã gây ảnh hưởng cho cả binh sĩ Mỹ và người dân Việt Nam, do vậy những nạn nhân của loại hóa chất này cần được bồi thường và trợ giúp...

Sau các cuộc chiến tranh, nhiều nước như Nhật Bản, Đức, Iraq đã nhận được những khoản trợ giúp nhiều tỷ USD để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, trong đó có nhiều người là nạn nhân của các loại vũ khí hóa học và các loại hóa chất độc hại khác, do vậy những nạn nhân của chất độc da cam cũng cần được đối xử công bằng. Chính phủ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đã thoái thác trách nhiệm này đối với các nạn nhân.

Trong bài phát biểu của mình, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, trong cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 20 triệu gallon (1 gallon= 3,78 lít) hóa chất, trong đó có chứa 366 kg chất độc dioxin, trên lãnh thổ Việt Nam.

Các loại hóa chất độc hại đó được rải trên đất liền, trong rừng rậm, trên những cánh đồng và thậm chí tại cả những làng mạc của người Việt Nam... và đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em dị tật bẩm sinh, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao hơn bình thường. Bác sĩ Phượng hy vọng sự ủng hộ từ phía Quốc hội Mỹ sẽ làm thay đổi và tạo ra những hoạt động hiệu quả hơn nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở cả Mỹ và Việt Nam.

Phiên điều trần này nhận được rất nhiều sự ủng hộ của một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, trong đó có Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Scot Marciel. Ông cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi những biện pháp có tính xây dựng trong việc phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác quan tâm tới vấn đề chất độc da cam để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan.

Trong thời điểm diễn ra phiên điều trần, tối 15-5, bộ phim tài liệu “Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến” của nhóm làm phim tài liệu Gardner, nói về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với các nạn nhân ở Việt Nam và Mỹ, được chính thức phát trên kênh truyền hình KCMS của Mỹ, sau hàng loạt buổi chiếu giới thiệu tại một số trường đại học và trung tâm văn hóa miền Trung và miền Đông nước Mỹ. Dự kiến bộ phim sẽ được tiếp tục chiếu rộng rãi trên toàn nước Mỹ qua các kênh truyền hình công cộng và trên một số kênh truyền hình nước ngoài trong thời gian tới. 

    P.N. (Theo TTXVN, AP)

Tin cùng chuyên mục