Nhiều người không mang bao tay khi bán thức ăn

Nghị định 115/2018/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm) đã có hiệu lực từ tháng 10-2018. Theo đó, phạt tiền 1 - 3 triệu đồng đối với người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đeo bao tay, đội mũ và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, sau một năm có hiệu lực, quy định này vẫn chưa được thực thi nghiêm chỉnh.
Người bán dùng tay không bốc thịt, bún làm đồ ăn cho khách
Người bán dùng tay không bốc thịt, bún làm đồ ăn cho khách

Ai cũng biết rằng khi sử dụng thức ăn chế biến sẵn, mà công đoạn chế biến, bảo quản không hợp vệ sinh sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Song trên thực tế, nhiều người bán và người mua thức ăn vẫn chưa coi trọng việc phải giữ vệ sinh, người bán vẫn không đeo khẩu trang và vẫn dùng tay không để bốc thức ăn, còn người mua cũng nhắm mắt cho qua. Thậm chí, nhiều nơi bán thức ăn trên vỉa hè không che chắn cẩn thận, vẫn chiên, xào, nướng, bày thức ăn ngay trên vỉa hè đầy khói bụi và ruồi nhặng.

Tại một tiệm bán bún, bánh canh trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), buổi tối rất đông khách, người bán và người phục vụ tại đây không sử dụng bao tay khi bán đồ ăn cho khách. Người bán thản nhiên dùng tay trần bốc thịt, xương, bún, hành cho vào tô để bán, nhìn rất phản cảm. Rồi cũng chính bàn tay đó, nhận tiền từ khách, kéo hộc gỗ mốc meo trước mặt để trả tiền thừa. Tại các gánh hàng rong bán ở khu vực Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) và Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cũng y như vậy. Ở đây tập trung nhiều gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè mọc san sát nhau, ngay bên lề đường, thức ăn không được che đậy cẩn thận, người bán hàng cũng không dùng bao tay để bán thức ăn chín cho khách, mà chỉ dùng tay trần. Một người phụ nữ tầm 50 tuổi, bán thức ăn sáng đoạn trước Công viên Lê Thị Riêng vô tư cho biết: “Bao tay cô có mà cất trong hộc tủ vì không thích đeo, đeo vào dầu mỡ dính trơn khó cầm nắm, nhất là khi cắt thịt, cắt hành, cầm bằng tay trần dễ hơn. Chỉ cần thức ăn mình đảm bảo tươi sạch, chứ quan trọng gì chuyện bao tay”.

Mặc dù Nghị định 115/2018 đã có hiệu lực từ năm 2018 nhưng đến nay hầu như vẫn không thấy ai đi kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp vi phạm. Thế nên nhiều người bán hàng ăn và cả người tiêu dùng vẫn không biết đến việc có quy định phạt người bán nếu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đeo bao tay, đội mũ và đeo khẩu trang. Chị Hàn My (chủ một quán ăn ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) bao biện: “Thú thật là từ trước đến nay tôi chưa biết đến quy định này và cũng chưa được ai phổ biến. Chỉ nghĩ đơn giản mình bán thức ăn cho khách quan trọng nhất vẫn là chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào phải rõ ràng, công đoạn chế biến đảm bảo an toàn”.

Quy định chế tài đã có, song việc tuân thủ, áp dụng vào thực tế không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của người bán thức ăn, mà cơ quan chức năng, chính quyền từng địa phương cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục