Sự liên tưởng này hợp lý khi cả trăm ngàn người đi qua, dừng chân nghỉ tại đây trong nhiều năm dài dường như không thấy gì ngoài những tiện ích cho bản thân, cho đến khi một người buột miệng rằng thế là không được, thế là phá vỡ cảnh quan… Và việc gì phải đến đã đến, khi chính quyền buộc phải ra quyết định tháo dỡ 5 tầng đã xây, chỉ để lại tầng dưới sát mặt đường làm chỗ dừng chân, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Sai phạm đã rõ cả từ phía chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, nhưng còn đó câu hỏi lơ lửng: Chẳng lẽ cứ sai đâu sửa đấy và sửa đâu sai đấy?
Chuyện lạ mà không lạ, đó là bà chủ công trình Panorama bỏ ra chục tỷ đồng xây cất mà không biết rằng muốn xây gì cũng phải có giấy phép từ xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chứng nhận đầu tư..., cho đến sự chấp thuận của cơ quan quản lý văn hóa. Chuyện như thế không thiếu ở Việt Nam khi mà cá nhân làm liều, trong khi cơ quan, tổ chức có chức năng không biết. Năm 2017, Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, bị UNESCO cảnh báo về “vùng lõi di sản” bị hàng loạt doanh nghiệp lấn biển, bê tông hóa làm du lịch trái phép; nhiều dự án xẻ núi làm đường hay xây cất vô tội vạ. Nguy hại hơn nữa là các dự án nhân danh “du lịch tâm linh”, đã phá nát những gì cha ông để lại hàng ngàn năm lịch sử. Điều đáng buồn là tình trạng “xin - cho” công nhận “di tích văn hóa” cấp quốc gia, công nhận di sản của UNESCO - ngày càng lậm ở nhiều nơi và càng nhiều bằng, càng nổi tiếng thì càng hút hầu bao khách du lịch phục vụ những nhóm lợi ích khác nhau. Sự tàn phá này đã được chỉ tay điểm mặt là sai phạm của các cán bộ trực tiếp quản lý di sản và của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Có thể là do buông lỏng quản lý, trình độ nghiệp vụ yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không loại trừ khả năng tiếp tay, thông đồng, trục lợi từ “món hàng di sản” của một bộ phận những người có chức có quyền.
Nếu không xử lý kiên quyết vụ Mã Pì Lèng thì tất yếu sẽ có hàng chục, hàng trăm vụ khác nghiêm trọng hơn. Nhưng vấn đề lớn hơn đặt ra là đập thì dễ nhưng xây mới khó. Xây ở đây là xây mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, xây một thái độ ứng xử văn minh, nhân văn với di sản có tính đến lợi ích của cộng đồng dân địa phương. Hàng ngày, hàng giờ trên mạng chúng ta có thể thấy hình ảnh “seo phì” của hàng chục ngàn bạn trẻ trên những cung đường Tây Bắc và đẹp thì có đẹp nhưng mấy ai nghĩ tới những đứa trẻ lam lũ, chân đất, sống chơi vơi giữa miếng ăn và vực thẳm? Cha mẹ chúng phải gùi đất lên cao trồng ngô, phải đi rừng hàng tuần kiếm chút lộc rừng còn thưa thớt, may lắm là mở được vài phòng homestay và hết! Cho nên phải thông cảm với các doanh nghiệp muốn đầu tư resort, khu nghỉ dưỡng… để phục vụ du khách và tham gia chương trình “xóa đói giảm nghèo” một cách thiết thực. Song đó là một câu chuyện khác.
Sâu xa hơn là câu chuyện làm du lịch, với cái được, cái mất, và làm du lịch ra sao để vừa có nguồn thu vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên. Đây là vấn đề cần giải quyết hài hòa, không chỉ có ở Việt Nam. Còn nhớ, lần thăm thú nước Nga vào mùa thu cách đây 2 năm, chúng tôi đã tròn mắt chứng kiến những dòng khách Trung Quốc bất tận ở làng Sa Hoàng thuộc thành phố Saint Petersburg. Chờ đợi 5 tiếng đồng hồ mà không cách nào đến lượt vào được căn phòng hổ phách trứ danh (ông Putin đã phục chế với tổn phí chừng nửa tỷ USD), chúng tôi đã lần mò đến cửa khác có người phương Tây đứng xếp hàng, ít người hơn nhiều, nhưng họ nói phải có hộ chiếu Nga mới được lọt qua cửa này. Đành phải trở lại với dòng du khách Trung Quốc ồn ào và tự hỏi hổ phách có đáng để chôn chân cả ngày trời không? Sau này một người bạn Nga nói rằng cách tốt nhất để vào đây chiêm ngưỡng là vào mùa đông băng giá vì người Nga dường như không còn là chủ nơi đây. Và cũng thật lạ là đóng góp cho ngân sách từ khách du lịch Trung Quốc gần như bằng không vì là “kinh tế ngầm” với hệ thống khách sạn riêng, cửa hàng bán đồ lưu niệm riêng và kể cả nhà hàng 2000 chỗ ngồi cũng thuần Hoa. Không ai có thể tách đoàn chỉ để thưởng thức món súp củ cải đỏ borsh truyền thống của nước Nga. Và có gì đó giống thực trạng du lịch ở chúng ta… để từ đỉnh Mã Pì Lèng nhìn toàn cảnh thấy được những vấn đề cần giải quyết trong bảo tồn và phát triển.