Để dân ta biết được sử ta, tháng 2-1942, Bác Hồ viết một bài văn vần về lịch sử nước ta trong đó có hai câu: “Hồng Bàng là tổ nước ta/Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”.
Ôn lại lịch sử về họ Hồng Bàng, các bộ sử đời nhà Lê (thế kỷ 15) về sau đều cho đó là triều đại mở đầu của lịch sử Việt Nam.
Theo nhà sử học Đào Duy Anh, danh xưng Hồng Bàng “không phải là tên thật... Người xưa đặt ra tên gọi ấy là cốt để phiếm chỉ thời kỳ tối tăm trong lịch sử thời bấy giờ” (1). Họ Hồng Bàng là một triều đại gồm 3 thế hệ vua, tiếp nối trị vì, theo cha truyền con nối: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương. Họ Hồng Bàng dựng ra nước Văn Lang, ngày xưa chỉ được biết qua những truyền thuyết, đến ngày nay đã trở thành lịch sử được chứng minh qua khám phá của khảo cổ học. Trên lãnh thổ nước Văn Lang xưa, đặc biệt trên vùng đất tổ Phong Châu, có hệ thống văn hóa khảo cổ phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun, đến giai đoạn Đông Sơn. Tức là từ sơ kỳ văn hóa đồng thau tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến giai đoạn Đông Sơn là thời chuyển tiếp từ đồ đồng sang sơ kỳ đồ sắt (thế kỷ 13 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên).
Nhà nước Văn Lang, đứng đầu là Hùng Vương, theo cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Hùng Vương nguyên là tù trưởng bộ lạc Văn Lang, một bộ lạc mạnh nhất trong 15 bộ lạc. Dưới bộ lạc là các công xã nông thôn. Mỗi công xã nông thôn có một nơi để hội họp, sinh hoạt cộng đồng, thường là một ngôi nhà công cộng. Công xã nông thôn xuất hiện phổ biến vào giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và quá độ sang xã hội có giai cấp. Mỗi công xã nông thôn bao gồm một số gia đình. Là gia đình theo phụ hệ nhưng người phụ nữ vẫn được coi trọng ở trong gia đình và ngoài xã hội. Sự ra đời của công xã nông thôn là một trong những tiền đề cho sự hình thành quốc gia và Nhà nước.
Ngày 10 tháng 3 năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại 15 (15-4-1940), bản văn bia do Bùi Ngọc Hoàn soạn có ghi: “Đền Vua Hùng là nơi thờ các vua họ Hồng Bàng trong lịch sử tối cổ của nước Việt ta”. Năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc xin Bộ Lễ ấn định hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 (Âm lịch) làm quốc lễ, tức là trước ngày giỗ vua Hùng thứ 18 một ngày. Ngày giỗ chính (11 tháng 3) thì do dân sở tại làm lễ tế”. Từ đó, khu Đền Hùng trở thành biểu tượng lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta.
Cũng tại Đền Hùng, vào ngày 19-9-1954, trước đoàn đại biểu của cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (tức Đại đoàn 308) về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhân ngày giỗ tổ, mỗi người Việt Nam chúng ta cần ghi lòng tạc dạ lời căn dặn ân cần đó của Bác Hồ.
Để giữ lấy nước cần phải phát huy truyền thống tốt đẹp từ thời các vua Hùng dựng nước. Đó là lòng yêu nước như chuyện Thánh Gióng chống quân xâm lược của nhà Ân Thương phương Bắc. Đó là nghĩa cố kết đồng bào, tức là người Việt Nam chúng ta coi nhau như được sinh ra từ chung một bào thai. Giữ lấy nước là giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng toàn vẹn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữ lấy nước là giữ cho hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giữ lấy nước là giữ cho hòa nhập với thế giới mà không để mất quyền tự chủ, không để mất bản sắc văn hóa dân tộc.
TRẦN TRỌNG TÂN
(1) Đào Duy Anh “Những truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” (tạp chí Tri Tân số 30 ngày 7 tháng 1 năm 1942).