Những bước chạy “khởi động” kinh tế đêm

Hơn 4.000 người tham dự Giải chạy đêm Quận 1 - District 1 Midnight Run 2023 (25 và 26-3) trong không gian là những cung đường hội tụ di sản văn hóa của quận trung tâm thành phố, một lần nữa minh chứng về “một thành phố không ngủ”, được truyền đi qua các hoạt động thể thao cộng đồng.

Đây cũng được coi là sự cụ thể hóa chủ trương của chính quyền TPHCM về phát triển kinh tế đêm, vốn được kỳ vọng mang đến sự chuyển động mạnh mẽ, khơi thông nội lực vốn có của một khu vực lõi trung tâm.

Năm 2021, quận 1 có hơn 1.300 cơ sở đăng ký kinh doanh các sản phẩm - dịch vụ - hoạt động lõi của kinh tế đêm, trong đó dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 93%, còn lại là các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ giải trí. Về mật độ, quận 1 đạt khoảng hơn 170 cơ sở kinh doanh sản phẩm - dịch vụ lõi của kinh tế đêm trên 1km2. Tổng doanh thu từ các hoạt động này khoảng 8.114,7 tỷ đồng, trong đó khoảng 86% đến từ dịch vụ ăn uống. Những con số này cho thấy quận 1 sở hữu lợi thế tâm điểm thương mại - dịch vụ trong kinh tế đêm. Vấn đề là chúng ta vẫn còn thiếu một định hướng tổng thể về phát triển kinh tế đêm, chưa có đơn vị chuyên trách về quản lý kinh tế đêm cũng như thiếu một bộ tiêu chí đánh giá năng lực vận hành dựa trên bộ dữ liệu hoạt động cùng một số vấn đề cố hữu về xã hội, an ninh trật tự địa bàn…

Lãnh đạo thành phố đã nhận diện rõ những khiếm khuyết nói trên và đã có những chỉ đạo cụ thể, phối hợp cùng quận để thúc đẩy thực thi trên một số giải pháp trọng tâm. Đó là từ quy hoạch tích hợp về phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận 1 gắn với định hướng phát triển đô thị của TPHCM, về cả tính chất, quy mô lẫn sự tác động hai chiều quận và thành phố, dẫn tới hình thành quy hoạch tích hợp về “Đô thị đêm sinh thái” cho quận 1 với những di tích, những cung đường đã đi vào ký ức của hàng triệu người dân và du khách.

Để vận hành “guồng máy” ấy, cần có những cá nhân, đơn vị chuyên trách về kinh tế đêm, đóng vai trò nhạc trưởng trong việc xây dựng và thúc đẩy chiến lược, các đề án và chương trình cụ thể; đồng thời là cầu nối liên kết và điều hòa mối quan hệ của các chủ thể khác nhau, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp, người hưởng thụ, người lao động trong kinh tế đêm… để cùng tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách phát triển kinh tế đêm trên địa bàn. Đặc biệt, để tránh phát triển tự phát, tràn lan, cần thiết phải xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động của các cơ sở kinh doanh đêm trên các khía cạnh: Cơ sở vật chất, năng lực vận hành và dịch vụ khách hàng. Song hành là việc hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu, bao gồm thu thập số liệu về thực trạng của từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể, phân tách số liệu về doanh thu theo ban ngày và ban đêm nhằm phục vụ cho công tác quản lý kinh tế đêm hiệu quả.

Tất cả hướng đến việc kích hoạt sự tham gia của cộng đồng - vừa là tư cách người lưu giữ và sản sinh văn hóa bản địa, vừa là đối tác để truyền bá, tiêu dùng các sản phẩm địa phương - vào tất cả quá trình từ xây dựng đến vận hành, không chỉ “góp ý kiến” cho các chính sách, chương trình mà còn “góp vốn”, “góp nguồn lực” vào việc thực hiện các ý tưởng, dự án phát triển kinh tế đêm cũng như công tác quản lý và vận hành đô thị.

Tin cùng chuyên mục