Những con số phục hồi ấn tượng của kinh tế TPHCM trong quý 3 đi cùng các bước chuyển mang tính căn bản, phản ánh sự thích ứng mạnh của một nhịp điệu kinh tế năng động, có nội lực. Điển hình, trong khi các ngành từng là chủ lực của TP như sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, giày da, dệt may chịu tổn thương từ những biến động thị trường quốc tế (và sẽ còn tiếp tục hứng chịu bất ổn trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023) do quá phụ thuộc nguyên liệu đầu vào lẫn đơn hàng vào thị trường toàn cầu; thì các ngành thuộc công nghiệp - chế biến như sản xuất cao su và sản phẩm nhựa, sản xuất đồ uống, thuốc, hóa dược, dược liệu lại tăng tốc.
Hơn thế, với 2 ngành sản xuất cao su, đồ nhựa, tính tự chủ công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa trong thành phẩm cao nên đạt mức giá trị gia tăng đáng kể. Đây chính là bước chuyển khả quan trong định vị năng lực và ưu thế tự chủ công nghệ, tạo chuỗi sản phẩm ứng dụng - tiêu dùng của kinh tế thành phố. Nhận định này được tham vấn chính sách quý 3 của Đại học Kinh tế - Luật TPHCM nhấn mạnh.
Nhìn sang khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của TP, giai đoạn này (kể cả vài năm tới) sẽ khó có được mức gia tăng ồ ạt cả về quy mô lẫn số lượng dự án như giai đoạn trước năm 2019. Tuy nhiên, đã có bước dịch chuyển quan trọng từ đầu tư nhà máy gia công sang các dự án cung ứng dịch vụ công nghệ. Đơn cử như dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ số phục vụ khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, kinh tế số. Trong năm 2022, thu hút FDI từa các doanh nghiệp công nghệ từ Singapore tăng rất nhanh về số lượng lẫn quy mô đầu tư. Singapore đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về kinh tế dịch vụ và tăng tốc thúc đẩy kinh tế số. Những đầu tư của họ tại TPHCM phản ánh xu hướng này.
Xét về năng lực tự chủ và tiềm năng đầu tư - phát triển, trong đó thành công nhất là thành phố đã thu hút những nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Nidec với cuộc chuyển dịch cơ cấu FDI, thì hơn lúc nào hết, giáo dục TPHCM nói chung, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (do Chủ tịch UBND TPHCM làm chủ tịch hội đồng) nói riêng, cần tận dụng nhanh cơ hội đào tạo một số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Điều này góp phần khắc phục căn bản tính chất thiếu ổn định và kém cải thiện của thị trường lao động TP.
Rõ ràng, khi chuyển dịch từ tính chất “gia công”, đòi hỏi quỹ đất lớn, tính cạnh tranh bị dàn trải, sang làm chủ và chuyển giao công nghệ, ít đòi hỏi quỹ đất lớn, tập trung phát triển ưu thế cạnh tranh, tạo thành phẩm có giá trị gia tăng cao, đạt lợi nhuận tích cực, thì thị trường lao động TPHCM đã chứng minh được tính linh hoạt, điều chỉnh theo cung cầu thực tế.
Thành phố cần có nhiều biện pháp kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa đối với khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch để tiếp tục gia tăng động lực, tạo nhiều giá trị hơn trong giai đoạn hết năm 2022 qua năm 2023. Cải thiện các dịch vụ công, thủ tục hành chính, đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ, phát triển các phố đi bộ, kinh tế đêm - chợ đêm, đa dạng không gian mua sắm - vui chơi… để vừa phục vụ người dân vừa là nguồn sinh lợi chủ lực cho kinh tế thành phố. Chủ động và kiên trì, tháo gỡ dứt điểm những điểm nghẽn từ giải ngân đầu tư công, dự án hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, đến công tác cán bộ… Những việc đã rõ, đã chín về chủ trương nhưng cần các biện pháp, sáng kiến cụ thể như phố công nghệ tài chính, kinh tế tuần hoàn qua các dự án đốt rác - xử lý nguồn nước, thúc đẩy ra quyết định bằng dữ liệu và dựa trên dữ liệu.
Những bước chuyển mình căn bản cộng với kế hoạch hành động cho các câu hỏi dự phòng nêu trên sẽ tạo nên những bước vững chãi hơn cho thời gian tới.