
Tốc độ cổ phần hóa đã được đẩy mạnh vào năm 2005 khi Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt hơn. Thế nhưng có một điều nghịch lý là trong 2.377 đơn vị đã cổ phần hóa chỉ có 30 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Mới đây, lại một lần nữa Chính phủ “ra tay” bằng Quyết định 528/QĐ-TTg để thúc đẩy tiến trình niêm yết cổ phiếu.
Vận động: Niêm yết càng sớm, càng có lợi
TS. Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp cổ phần hóa do mới chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước nên có thể chưa có nhu cầu huy động vốn, tăng vốn. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi cần vốn để phát triển thì TTCK là kênh huy động dài hạn hiệu quả và phù hợp nhất.

Các nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB.
Bởi kinh tế càng phát triển, nhu cầu về vốn đầu tư rất cao, nhà nước sẽ không đủ sức để chịu đựng gánh nặng bao cấp về vốn. Vì vậy các doanh nghiệp cần tự tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài thay vì trông đợi vốn rót từ nhà nước và niêm yết cổ phiếu được xem là phương thức huy động hiệu quả nhất.
Việt Nam đang trong nỗ lực hội nhập với kinh tế thế giới, trước bối cảnh nền kinh tế đang biến chuyển từng ngày theo xu hướng mở thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức hoạt động để tăng tính cạnh tranh. Việc niêm yết trên TTCK sẽ thể hiện được tầm vóc và uy tín doanh nghiệp trên thương trường.
Hiện nay, ngoài việc thực hiện ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ khi niêm yết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu mở rộng thời hạn và nâng tỷ lệ miễn giảm cho các công ty niêm yết. Theo đó, trước năm 2008 doanh nghiệp niêm yết càng sớm sẽ được hưởng thời hạn ưu đãi càng dài, sau thời hạn trên có thể sẽ không có ưu đãi thuế.
TPHCM là đầu tàu về kinh tế của cả nước và là nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi lẫn những áp lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Chính vì vậy mà ngay trong tháng 7 này, chính quyền thành phố sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp trên địa bàn với mục đích giải thích, vận động doanh nghiệp lên sàn - đường ngắn nhất để các doanh nghiệp từng bước hội nhập quốc tế.
Và biện pháp mạnh: bắt buộc
Những tháng cuối năm nay báo hiệu một thời kỳ phát triển mới của TTCK. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04, chỉ đạo đưa 200 doanh nghiệp nhà nước vào niêm yết và giao dịch trên TTCK, có hiệu lực triển khai ngay trong năm nay.
Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ một danh sách khoảng 300 doanh nghiệp nhà nước cần xem xét đưa vào niêm yết và đã được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận (Quyết định 528/QĐ-TTg ký ngày 14-6-2005).
Trước mắt, sẽ có khoảng 178 doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách được phê duyệt để niêm yết và đăng ký giao dịch tại các TTGDCK TPHCM và Hà Nội.
Trong số này, có những doanh nghiệp có vốn lớn, là những thương hiệu đã được nhiều người biết đến như: Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với vốn điều lệ cao nhất -1.500 tỷ đồng (nhà nước hiện đang nắm giữ 60% cổ phần), Công ty cổ phần Dầu Tường An có tổng vốn điều lệ xấp xỉ 190 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gas Petrolimex và Công ty cổ phần Hóa dầu có cùng vốn lệ là 150 tỷ đồng, Công ty Nhựa Bình Minh với 107 tỷ đồng, Công ty Pin-Ắc quy miền Nam với 102 tỷ đồng…
Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện một số cơ chế trình Chính phủ ban hành theo hướng mở rộng đối tượng tham gia giao dịch trên TTCK, đặc biệt là các tổ chức tài chính như bảo hiểm xã hội, tiết kiệm bưu điện…; mở rộng quyền được tham gia góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài ở các doanh nghiệp không nằm trong lĩnh vực nhà nước cần hạn chế; đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc niêm yết chứng khoán. Với các biện pháp quyết liệt như trên cho thấy Chính phủ rất quyết tâm phát triển TTCK và cải cách các doanh nghiệp cổ phần.
TS. Trần Đắc Sinh nhận định: Cùng với xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế và sự quan tâm của Chính phủ, thời điểm hiện nay chính là lúc các doanh nghiệp cổ phần nên quan tâm đến việc niêm yết cổ phiếu. Ngoài những lợi ích về vật chất trước mắt mà doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh.
THANH – NGHI
Thông thường các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước, nên dấu ấn nhà nước vẫn còn đậm nét. Bằng chứng là cổ phần nhưng nhà nước vẫn còn nắm giữ số vốn áp đảo, nên hoạt động của các công ty vẫn phụ thuộc vào ý chí của người đại diện của cổ đông lớn nhất là nhà nước. Để đưa các doanh nghiệp này lên sàn phải có giải pháp tác động mạnh vào người đại diện vốn sở hữu nhà nước. Mặt khác, các công ty cổ phần vào diện này xem việc phải minh bạch thông tin cho công chúng khi niêm yết là điều bất lợi nên họ rất e ngại khi đưa công ty ra niêm yết. |