Những công trình đậm tình quân - dân

Với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, công tác dân vận không dừng lại ở phổ biến, tuyên truyền. Những công trình văn hóa, thể dục thể thao đã thực sự trở thành “sợi dây” bện chặt đồng bào với người lính.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An trao công trình văn hóa, thể dục thể thao cho Giáo xứ Kiến Bình ở huyện Tân Thành, tỉnh Long An
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An trao công trình văn hóa, thể dục thể thao cho Giáo xứ Kiến Bình ở huyện Tân Thành, tỉnh Long An

Niềm tin vững chắc 

Địa bàn Quân khu 7 trải rộng trên 9 tỉnh, thành; trong đó nhiều nơi có không ít đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào các tôn giáo sinh sống. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, để xây dựng thế trận lòng dân, tạo dựng khối đoàn kết quân - dân vững chắc, cùng với công tác dân vận theo phương pháp “truyền thống” (vận động, tuyên truyền), Quân khu 7 có cách làm sáng tạo là xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao ở khu dân cư nơi đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo sinh sống. Với phương châm “một công trình bằng ngàn lời nói”, Quân khu 7 đã xây dựng được niềm tin vững chắc, tạo khối đoàn kết quân - dân trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo. Mỗi công trình văn hóa, thể dục thể thao được xây dựng, đưa vào sử dụng đã thực sự trở thành “sợi dây” bện chặt tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo với bộ đội.

Niềm vui đã đến với cộng đồng đồng bào Hồi giáo Islam ở ấp Hòa Lộc, xã Ninh Hòa (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) khi Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây dựng công trình văn hóa, thể thao trong khuôn viên Thánh đường Hồi giáo AL Muttaqia. Ngày khánh thành công trình, người dân trong khu dân cư tập trung đông đủ, vui mừng sử dụng dụng cụ, thiết bị luyện tập mới. Anh Ari Phim đến từ sớm, hào hứng nói: “Lần đầu tiên, thanh niên địa phương mới có điểm tập thể dục thể thao hiện đại để rèn luyện thể lực. Bây giờ, sau giờ lao động, mọi người có chỗ để vui chơi, giải trí rồi”.  

Tháng 11 vừa qua, người dân Giáo xứ Kiến Bình ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An phấn khởi đón nhận công trình văn hóa, thể dục thể thao do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng. Người dân ở giáo xứ trầm trồ trước công trình xây dựng hiện đại. Khu luyện tập được trang bị phương tiện máy tập đa chức năng, máy massage toàn thân... Kinh phí xây dựng công trình 450 triệu đồng, trong đó Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ 250 triệu đồng, phần còn lại do chính quyền địa phương đóng góp. Cũng trong tháng 11-2022, người dân Giáo xứ Đạ KNàng ở xã Đạ KNàng, huyện ĐamRông, tỉnh Lâm Đồng vui mừng khi Đoàn kinh tế - quốc phòng Lâm Đồng (Quân khu 7) xây dựng, trao tặng khu thể dục thể thao ngoài trời, với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Năm 2021, đơn vị cũng hỗ trợ xây dựng công trình thể thao tại Giáo xứ Làng Hai ở thôn Làng Hai, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Những ngày đầu tháng 12-2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao tại Giáo xứ Tân Bình ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. Công trình có diện tích 200m2, với nhiều hạng mục như boxing, đẩy tạ, xà đơn xà kép... Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tài trợ 500 triệu đồng xây dựng công trình. Linh mục Nguyễn Văn Đăng, Chánh xứ Giáo xứ Tân Bình, phấn khởi bày tỏ: “Nhờ bộ đội hỗ trợ mà giáo dân có được công trình văn hóa, thể dục thể thao để vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Giáo dân không chỉ có chỗ luyện tập mà càng yêu mến bộ đội hơn”.

Sức sống chương trình nhân văn

Thượng tá Đỗ Duy Hạnh, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7, cho biết, với phương châm “nói đi đôi với làm”, nhiều công trình văn hóa, thể dục thể thao đồng loạt triển khai tại cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo đã tạo được mối quan hệ vững chắc giữa quân đội và nhân dân. Trong những năm qua, Quân khu 7 triển khai xây dựng nhiều công trình tại các tỉnh, thành phố và đã phát huy hiệu quả tốt, được các cấp, ngành, địa phương hưởng ứng tích cực. Năm 2021, Quân khu 7 vẫn xây dựng 38 công trình. Mỗi công trình là một “sợi dây” bện chặt bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo với bộ đội.
Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, chia sẻ, công trình văn hóa, thể dục thể thao phát huy hiệu quả cho công tác dân vận trong lực lượng vũ trang. Mỗi công trình mới được đưa vào sử dụng không chỉ tạo điểm vui chơi, sinh hoạt cho bà con mà còn làm cho lòng tin giữa người dân với quân đội ngày càng gắn chặt, bền vững. 

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Long An đã đầu tư 5 công trình. Tại những nơi có công trình văn hóa, thể dục thể thao, mối quan hệ giữa đồng bào dân tộc, đồng bào các tôn giáo với bộ đội được tăng cường gắn kết, thân thiện.

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh TPHCM là một trong những đơn vị đi đầu trong Quân khu 7 về công tác xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo. Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, trong năm 2022, lực lượng vũ trang TPHCM đã xây tặng 28 công trình thể dục thể thao. Bộ Tư lệnh TPHCM không chỉ xây dựng công trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở TPHCM mà còn mở rộng ở các tỉnh Lai Châu, Đắk Lắk, Tây Ninh, với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Bộ Tư lệnh TPHCM cũng tặng quà cho 11 cơ sở tôn giáo, 30 hộ đồng bào dân tộc Khmer tại khu dân cư Bà Xán ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Cùng với đồng bào Hồi giáo Islam (tỉnh Bình Dương), Giáo xứ Kiến Bình (tỉnh Long An), Giáo xứ Đạ KNàng, Làng Hai (tỉnh Lâm Đồng), Giáo xứ Tân Bình (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Quân khu 7 đã mang nhiều công trình văn hóa, thể dục thể thao đến với đồng bào Rai (thôn Đồng Me, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), chùa Sóc Lớn (ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước)…

Tin cùng chuyên mục