Những dự án sai phạm trên Sơn Trà giờ ra sao?

Hàng loạt dự án biệt thự quy mô, có vốn đầu tư lớn trên bán đảo Sơn Trà vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có dự án 2.000 tỷ đồng của công ty Vũ “nhôm”. Đến nay, phần lớn các dự án sai phạm đang xây dựng dang dở, hoang phế hoặc chưa thực hiện dự án. 
Hàng chục khu biệt thự trong khu du lịch Bãi Trẹm xuống cấp trầm trọng
Hàng chục khu biệt thự trong khu du lịch Bãi Trẹm xuống cấp trầm trọng

Nhiều dự án bỏ hoang

Đi dọc theo con đường phía Đông của bán đảo Sơn Trà từ hướng đường Hoàng Sa đi lên cây đa ngàn năm, không khó để nhận ra hàng chục căn biệt thự xây dang dở bị bỏ hoang nằm tại khu vực Bãi Trẹm. Đây là dự án Khu du lịch Bãi Trẹm của Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà được xây dựng từ nhiều năm trước. 

Theo ghi nhận của PV báo SGGP vào ngày 21-10, hầu hết các biệt thự tại đây đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, cỏ đã mọc kín cả các lối đi trước kia. Nhiều khu hư hỏng toàn bộ phần mái, dây leo phủ kín cả khu nhà. Khi tiếp cận khu biệt thự “ma” này, ngay tại cổng dẫn vào, một người xưng là bảo vệ của công ty không cho vào khu vực trên. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các công trình đã khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; chưa có đánh giá tác động môi trường; giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. 

Ở khu vực Bãi Trẹm cũng có một số dự án khác nằm trong kết luận sai phạm- đó là Khu du lịch biển Đông là không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền quy định. Tại dự án này, theo ghi nhận, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động kinh doanh.

Đi tiếp khoảng 4km theo hướng cây đa ngàn năm tuổi, tại đây là khu vực Ghềnh Bàn - Bãi Đa. Nơi này vẫn còn giữ nguyên được nét hoang sơ, chưa có dấu hiệu tác động của dự án. Sau một số vụ tai nạn chết người xảy ra vừa qua, chính quyền địa phương đã cắm bảng cấm tụ tập cắm trại và đốt lửa tại khu vực dừng xe. Mất 1 giờ lội bộ qua khoảnh rừng để xuống bãi biển là một thảm thực vật phong phú từ các cây cổ thụ lớn đến 2 - 3 người ôm, nhiều cây là nơi trú ngụ của các loài động vật như khỉ, sóc, các loài chim... Hình ảnh đặc trưng của nơi đây là bãi đá lớn như khớp nối giữa núi rừng nguyên sinh và biển cả. 

Trong khi đó, tại căn biệt thự lô L09 thuộc dự án Khu biệt thự Suối Đá, nơi này thường xuyên đóng kín cổng, khó có thể nhìn vào được bên trong. Khu nhà này bị dây leo mọc um tùm phủ kín các tường rào và tịnh không bóng người. 

Tại Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, từ khi có quyết định đình chỉ xây dựng vào năm 2017, khu vực 40 móng biệt thự trên vẫn ngổn ngang, thảm thực vật nguyên sinh vẫn chưa thể hồi phục. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND TP Đà Nẵng chủ trì xử lý hành chính khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất đã khởi công xây dựng.

Dự án liên quan đến Vũ “nhôm”

Khu vực thuộc dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa do Công ty CP Xây dựng 79 do Vũ “nhôm” làm chủ đầu tư với tổng đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng với diện tích gần 200ha. Dự án này theo kết luận của thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm và đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra sai phạm tại dự án này. 

Ngày 11-8-2014, UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này của Công ty CP Xây dựng 79 với diện tích 95,58 ha. Trong đó, giao đất có thu tiền sử dụng đất là 154.968m2, thuê đất 160.000m2 và diện tích đất tôn tạo cảnh quan không thu tiền là 640.198m2. Với tổng vốn đầu tư 2.690 tỷ đồng, hiện đã nộp tiền sử dụng đất hơn 70 tỷ đồng, dự án này có quy mô 228 biệt thự nhưng hiện nhà đầu tư chưa triển khai.

Năm 2007, khi giao đất làm dự án này, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương về việc chọn địa điểm mở rộng dự án này. UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao đất trực tiếp cho Công ty CP Xây dựng 79 với diện tích 70ha mà không có dự án đầu tư, không thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá đất theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai 2003. Ngày 11-8-2014, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 7097/UBND-QLĐTh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này của Công ty CP Xây dựng 79. Dù vậy, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 6123/QD-UBND ngày 29-7-2008.

Dự án này có diện tích đất 4,02ha, cao hơn 200m so với mực nước biển; 13,8ha có độ cao 150m so với mực nước biển; 44,36ha có độ cao hơn 100m và 33,4ha có độ cao thấp hơn 100m so với mực nước biển. Tuy nhiên, dự án này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường theo quy định. Dự án đã được khoanh định trên bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của TP Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12-9-2013. Đến nay, UBND Đà Nẵng cấp 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở trên diện tích 154.968m2. Phần diện tích đất thuê (160.000m2) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê do chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2007 đến nay.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dự án ảnh hưởng đến công trình quốc phòng đã xây dựng và đất có tầm quan trọng cao trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 9-12-2011 của Thủ tướng. Dự án này được UBND TP Đà Nẵng cấp đất trực tiếp cho doanh nghiệp, không có dự án đầu tư, không thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá đất theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai 2003; không thông qua tham mưu của các sở ngành có liên quan theo quy định mà chỉ có Văn phòng UBND TP Đà Nẵng tham mưu trực tiếp UBND TP Đà Nẵng cấp đất cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục