Những nền kinh tế chuyển mình sang

“xã hội không tiền mặt” nhanh nhất* Bỉ, Pháp và Canada đang tiến sát đến ranh giới của xã hội không tiền mặt
Những nền kinh tế chuyển mình sang

“xã hội không tiền mặt” nhanh nhất
* Bỉ, Pháp và Canada đang tiến sát đến ranh giới của xã hội không tiền mặt

MasterCard vừa công bố một báo cáo mới trên toàn cầu mang tên “Hành trình không tiền mặt”. Đây là kết quả của việc theo dõi quá trình chuyền đổi từ việc sử dụng tiền mặt sang không tiền mặt của 33 nền kinh tế lớn trên thế giới do MasterCard Advisors thực hiện. Báo cáo cũng cho thấy những công nghệ mới, các chương trình của chính phủ và sự ưu tiên trong thói quen tiêu dùng của người dân là những nhân tố chính giúp thúc đẩy việc chuyển đổi này, góp phần hình thành những nền kinh tế mới hiệu quả và kết nối hơn.

Nghiên cứu này của MasterCard tập trung vào giá trị của tất cả những khoản thanh toán của người tiêu dùng (tổng chi tiêu 63 ngàn tỷ USD), bao gồm những khoản thanh toán được thực hiện tại các điểm giao dịch. Vào năm 2011, 34% (21 ngàn tỉ USD) trong tổng số chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu được thực hiện bằng tiền mặt, thanh toán không sử dụng tiền mặt chiếm 66% (42 ngàn tỉ USD).

Báo cáo cho thấy Bỉ (nơi khoảng 93% giá trị chi tiêu của người tiêu dùng là không qua tiền mặt), Pháp (92%), Canada (90%), Anh (89%), Thụy Điển (89%), Úc (86%) và Hà Lan (85%) là những quốc gia mà việc thanh toán không tiền mặt đã trở nên gần như phổ biến, nhờ vào việc áp dụng những công nghệ thanh toán không tiền mặt mới như điện thoại di động, công nghệ thanh toán không tiếp xúc và thẻ chip EMV cùng với một nền tảng hạ tầng thanh toán hiện đại.

Các quốc gia như Mỹ (nơi khoảng 80% giá trị chi tiêu của người tiêu dùng là không tiền mặt) và Singapore (69%) đang tiến đến ranh giới của việc trở thành những xã hội không tiền mặt. Việc sử dụng tiền mặt tại đây phần lớn là vì thói quen của người tiêu dùng. Trái lại, những quốc gia mới nổi như Indonesia (31%), Nga (31%) và Ai Cập (7%) chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi không tiền mặt của mình, nhưng đang đạt được những bước tiến nhanh hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Sau khi đã thiết lập gần như tất cả các yếu tố cần thiết của nền tảng thanh toán hiện đại, các quốc gia như Brazil (57%), Ba Lan (41%) và Nam Phi (43%) hiện đang trong giai đoạn quá độ, và đang nhanh chóng giảm thiểu tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong chi tiêu.

Trong báo cáo này, quốc gia có bước chuyển đổi nhanh nhất gần đây là Trung Quốc. Theo đó, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người tiêu dùng ước tính giảm 20% từ năm 2006 đến 2011. Trung Quốc (nơi khoảng 55% giá trị chi tiêu của người tiêu dùng là không tiền mặt) và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (26%) nằm trong số những quốc gia mà ở đó, chính phủ có định hướng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế và xã hội. Kenya (27%) là một ví dụ nơi công nghệ đang đóng góp nhiều nhất trong việc giảm thiểu tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo ông Peer Stein, Giám đốc các dịch vụ tư vấn tài chính tại Tập đoàn International Finance, trong khi tuyên truyền các chính sách này, một điều mà nhiều quốc gia đã bỏ sót là tiền mặt mất nhiều thời gian để lưu thông, ẩn chứa nhiều rủi ro hơn khi mang theo bên mình và gây thiệt hại lên đến 1,5% GDP của một quốc gia. Chúng ta không thể mong đợi quá trình chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử sẽ hoàn tất một sớm một chiều. Tuy nhiên, nhờ vào những bước tiến công nghệ và những hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, xu hướng này đã đạt được những bước tiến quan trọng trong vài năm qua.

Nghiên cứu của MasterCard Advisors cũng chỉ ra rằng mức độ sẵn sàng chuyển đổi qua một xã hội không tiền mặt của một quốc gia được quyết định bởi các nhân tố như khả năng tiếp cận và tính kinh tế của các dịch vụ tài chính; quy mô và thị phần của các nhà bán lẻ; trình độ công nghệ; và sự tham gia của người tiêu dùng trong nền kinh tế chính thức. Tuy nhiên, tại những quốc gia như Đức (nơi có khoảng 76% giá trị chi tiêu của người tiêu dùng là không tiền mặt), Nhật Bản (62%), Tây Ban Nha (54%) và Đài Loan (43%), thói quen văn hóa dường như đang giữ tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao hơn sự cho phép của các điều kiện thị trường.

Ông Kevin Staton, Chủ tịch MasterCard Advisors kết luận: “Trong khi hành trình chuyển đổi của mỗi quốc gia đều có nét riêng và đòi hỏi phải có sự hiểu biết về thực trạng của từng quốc gia, thì những lợi ích của một xã hội không tiền mặt luôn giống nhau: đó là sự tiện lợi hơn cho người tiêu dùng, hiệu quả cao hơn cho các chính phủ, năng suất cao hơn cho các doanh nghiệp và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cao hơn cho toàn xã hội. Báo cáo này cung cấp một lộ trình chỉ ra cách thức các quốc gia có thể đạt được những lợi ích này và đem lại một cuộc sống tốt hơn cho tất cả công dân”.

 HOÀNG THÁI

Tin cùng chuyên mục