Sau sự cố thương tâm một học sinh lớp 8 bị điện giật chết do trụ đèn chiếu sáng công cộng bị rò điện, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng (CSCC) TPHCM đã thừa nhận trách nhiệm và quyết định đình chỉ chức vụ đối với hai cán bộ Xí nghiệp Chiếu sáng số 2 là Giám đốc Vũ Đình Dũng và Phó Giám đốc Trương Anh Kiệt. Bên cạnh đó, Công ty CSCC cũng giao cho xí nghiệp xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật đối với công nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công việc duy tu, bảo dưỡng tại trụ đèn nơi xảy ra vụ rò điện, còn trách nhiệm của lãnh đạo công ty sẽ do cấp cao hơn quyết định.
Xét góc độ nào đó, thông tin này ít nhiều cũng xoa dịu cơn phẫn nộ của dư luận. Bởi lẽ, ngành CSCC đã thấy rõ trách nhiệm chưa tròn của mình gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nói chung và gia đình nạn nhân nói riêng. Chẳng gì có thể bù đắp nổi nỗi đau và sự mất mát quá lớn này. Cái chết oan uổng của cậu bé xấu số không chỉ khiến chúng ta day dứt lương tâm mà còn khuấy động nỗi lo tiềm ẩn về những nguy cơ, rủi ro khi sống ở đô thị ngày một lớn.
Có thể nói rằng những nguy cơ, rủi ro này cũng “rò rỉ” như điện bị nhiễm đang hiện diện đâu đó ở khắp mọi nơi, từ trên đầu đến dưới chân người đi đường. Nếu không lọt hố ga vì thiếu nắp đậy hoặc “lô cốt” không có rào chắn an toàn thì người đi đường cũng dễ bị trượt ngã do mặt đường tái lập cẩu thả, đường sá ngập nước và đầy rẫy “cạm bẫy” ổ voi, ổ gà… Có lẽ chưa bao giờ người dân đô thị cảm thấy bất an như bây giờ bởi lẽ đi đâu cũng bắt gặp công trình hạ tầng thi công ngổn ngang, nham nhở. Kiểu thi công, cách giám sát thiếu trách nhiệm này sẽ gây ra bao thiệt hại cho người dân, chẳng ai tính được. Mặc cho người dân bức xúc, nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn “ầu ơ, ví dầu”, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao một đô thị hiện đại lớn bậc nhất cả nước lại có quá nhiều rủi ro đến như thế? Trách nhiệm của các đơn vị và các ngành chức năng ở đâu khi để xảy ra những rủi ro, hiểm nguy? Không thể đổ lỗi cho cơ chế, cho sự phối hợp thiếu nhịp nhàng và cả lý do “thiếu kinh phí” để biện minh cho những tiêu cực, rủi ro đang xảy ra đối với đời sống đô thị của chúng ta. Thực tế cho thấy, còn quá ít vụ việc mà người có trách nhiệm dám đứng ra công khai xin lỗi người dân vì thi công chậm trễ, vì chưa tròn trách nhiệm quản lý, vì sơ suất, cẩu thả…
Kinh nghiệm cho thấy ở tất cả các nước trên thế giới, khi có vụ việc sai phạm nào xảy ra hoặc thể hiện trách nhiệm chưa tròn thì người đứng đầu thường chủ động nhận lỗi nếu nhẹ, còn nặng và gây hậu quả nghiêm trọng thì tự giác xin từ chức. Còn ở ta, đôi khi trách nhiệm chưa tròn nhưng vẫn còn người đứng đầu đơn vị, cơ quan thường né tránh, đổ thừa “nguyên nhân khách quan” mà không dám dũng cảm nhận lỗi về mình. Để nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người dân và xã hội, văn hóa ứng xử như xin lỗi, nhận lỗi và từ chức cần được nhân rộng.
KHÁNH HÀ