Những tín hiệu tạo niềm tin

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội là thách thức lớn nhất đối với nước ta sau hơn 20 năm đổi mới, khi bước vào năm 2008. Trong sự nỗ lực vượt bậc để vượt qua thách thức đó, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện những điểm sáng, những tín hiệu tạo niềm tin.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) đã thông báo những thông số kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2008. Những thông số này rất có giá trị củng cố niềm tin, ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp.

Trước hết là con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 6 tháng đầu năm 2008 đã thu hút 31,6 tỷ USD vốn FDI (bao gồm vốn tăng thêm và vốn đăng ký mới) - một con số cao nhất từ trước tới nay, vượt xa mức 21,3 tỷ USD của cả năm 2007. Vốn đăng ký tăng, quy mô dự án lớn. Có dự án trị giá đến 7,8 tỷ USD như dự án xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan - Trung Quốc) vào Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Có tin tưởng về sự ổn định kinh tế của ta, họ mới dám đầu tư lớn như vậy.

Kế đến là tình hình lạm phát và nhập siêu cũng đã có dấu hiệu cải thiện theo chiều hướng tích cực. Mức lạm phát trong tháng 6 đã chuyển biến theo xu hướng giảm như dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức 3,91% của tháng trước. Nhập siêu trong tháng 6 chỉ còn 1,3 tỷ USD, giảm hơn một nửa so với mức 2,85 tỷ USD của tháng 5.

Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, nông nghiệp được mùa ở cả 2 miền Nam, Bắc cho phép ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo để đạt mức xuất khẩu cả năm 4,5 triệu tấn. Tính chung mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm có thể đạt 6,6%-6,7%. Theo thông lệ hai quý cuối năm thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn, cho phép ta tin tưởng có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 7% như Quốc hội khóa XII vừa điều chỉnh tại kỳ họp thứ 3 vừa rồi.

Những thông số kinh tế vĩ mô tạo niềm tin trên không phải do chúng ta đánh giá một cách chủ quan, mà nhiều tập đoàn kinh tế tài chính nước ngoài cũng đã nhìn nhận. Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công-Thượng Hải (HSBC) trong bản báo cáo mới nhất (20-6) nhận định: Tình hình lạm phát và thâm hụt thương mại ở Việt Nam đang được cải thiện. Việc tăng lãi suất sẽ làm thay đổi luồng tiền, các đồng vốn đầu tư nước ngoài đang vào Việt Nam thay vì chảy ngược như lo ngại vừa qua. Những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Việt Nam như Thái Lan năm 1997 là thái quá, vì thực tế thị trường tiền tệ Việt Nam chưa đến mức nghiêm trọng như vậy.

Biểu hiện bước đầu lòng tin của người dân được củng cố là chỉ số thị trường chứng khoán (VN-Index) đã tăng nhẹ và giá USD trên thị trường không chính thức đã giảm. 

MINH THÔNG

Tin cùng chuyên mục