Niềm tin của cộng đồng quốc tế

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng... quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những lời khẳng định ngắn gọn đó chính là mục tiêu của một nước Việt Nam mới. Hơn 68 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện những quyền cơ bản đó.

Nội dung các quyền cơ bản và phổ cập nêu trên của con người không ngừng được cụ thể hóa và hoàn thiện trong Hiến pháp, các văn bản luật và dưới luật của Việt Nam, phù hợp với tinh thần và các chuẩn mực được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và các công ước quốc tế của LHQ về nhân quyền.

Việt Nam là thành viên của 8 công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ... Việt Nam là nước châu Á đầu tiên ký Công ước LHQ về quyền trẻ em.

Trước đó, năm 2010 Việt Nam đã được Đại hội đồng LHQ đánh giá là một trong những quốc gia về đích sớm khi vượt 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) - những mục tiêu xét cho cùng là vì con người. Đó là đã hoàn thành việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói ngay từ năm 2002; đến nay đã giảm được 3/4 tỷ lệ nghèo so với đầu thập kỷ 1990; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và dự kiến hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010... Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; thành công trong việc kiểm soát một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn sự lây lan của HIV và đang ở trước ngưỡng có thể hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.

Những con số trên chỉ là những nét chính của một bản báo cáo và việc Việt Nam được cộng đồng quốc tế bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, mới chính là con dấu xác nhận của những tiếng nói có trách nhiệm. Sự kiện này khẳng định cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo vệ những quyền cơ bản của con người ở Việt Nam, cho thấy thế giới đã ghi nhận những đóng góp của Việt Nam trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Không chỉ vậy, việc Việt Nam trúng cử vào cơ quan quyền lực thứ hai của LHQ (sau Hội đồng Bảo an) đã phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Điều đáng chú ý là Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao nhất (184/192) trong lần bầu chọn này. Các thành viên Đại hội đồng LHQ đa số là các nước đang phát triển, đều có những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển như ở Việt Nam, đều bị sức ép rất lớn từ sự áp đặt quan điểm về nhân quyền của các nước phát triển. Lá phiếu của bạn bè thế giới là lá phiếu tin cậy Việt Nam có thể góp tiếng nói bảo vệ các nước có điểm xuất phát cũng như hoàn cảnh phát triển tương đồng.

Việt Nam luôn hiểu rằng để bảo vệ những quyền cơ bản của con người cần phải phấn đấu không ngừng nghỉ, việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng không có nghĩa là Việt Nam đã hoàn hảo. Thế nhưng từ trước đến nay, một số nước phát triển cũng như các ý kiến của những người có ý thức hệ khác Việt Nam vẫn thường có cái nhìn định kiến sai lệch, phủ nhận sạch trơn thành tựu bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam góp phần khẳng định tính không khách quan của những định kiến đó.

Trên bình diện quốc tế, việc Việt Nam, Cuba, Trung Quốc và một số nước được bầu lần này đã khẳng định chiến thắng của xu thế bảo vệ quyền tự quyết con đường phát triển của các dân tộc, phủ quyết sự áp đặt quan điểm dân chủ, nhân quyền của các nước lớn đối với các nước khác. Sự kiện này cũng đánh dấu tiếng nói của các nước đang phát triển đang ngày càng quan trọng trên trường quốc tế và sự thao túng của các nước lớn trong cơ quan nhân quyền LHQ đã yếu đi.

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục