Trước diễn biến tăng cao bất thường của tỷ giá VND và USD trên thị trường tự do những ngày đầu tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng ban hành văn bản (số 5063/NHNN-QLNH ngày 6-6-2008) nhằm chấn chỉnh kịp thời hoạt động thu đổi ngoại tệ. Những vi phạm được khẳng định sẽ bị xử lý nghiêm, có thể thu hồi giấy phép đã cấp...
Đây là một “cú đấm” vào các hoạt động đầu cơ tiền tệ trong thời gian qua, vốn làm thiệt hại không nhỏ về tài chính cho người dân, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Và dấu hiệu tích cực đã trở lại, hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do đã “hạ nhiệt”, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống đáng kể.
Trước đó, cũng để lập lại “nền nếp” và khôi phục niềm tin của người dân và giới doanh nhân, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các NH thương mại, NH liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân trung ương báo cáo cụ thể ngay từng khoản thu phí liên quan đến các khoản cho vay (văn bản số 5001/NHNN-CSTT).
Động tác này của NHNN rất đáng hoan nghênh trong hoàn cảnh hiện nay. Lấy cớ bị thua lỗ với mức lãi suất cho vay VND trần không vượt quá 18%/năm (150% mức lãi suất cơ bản, theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 của Thống đốc NHNN), các tổ chức tín dụng đã “đẻ” vô tội vạ hàng loạt loại phí phụ thu bất hợp lý, đẩy mức lãi suất cho vay thực tế vượt xa 18%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang hoàn thiện và sẽ sớm ban hành quy định về thu phí cho vay nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhu cầu vay vốn.
Nhằm lập lại kỷ cương và minh bạch hóa thị trường tiền tệ-tín dụng, Chính phủ cũng đã tỏ rõ quyết tâm của mình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cho công bố trên hãng tin Bloomberg, bản tin tài chính hàng đầu ở Mỹ, nội dung buổi làm việc của Thủ tướng với tiến sĩ David Frenandez-kinh tế trưởng Tập đoàn JP Morgan Chase và lãnh đạo NH Đầu tư và Phát triển VN. Đây quả là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Trong cuộc họp trên, Thủ tướng đã cam kết sẽ giảm được lạm phát; trong thời gian tới sẽ tăng cường sự can thiệp của NHNN cả về quy mô và cấp độ ở phạm vi rộng lớn hơn; sớm công bố cụ thể và rộng rãi mức dự trữ ngoại tệ bằng tiền USD (thường chỉ cung cấp cho WB và IMF); sẽ đẩy mạnh cải cách hệ thống pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng KT-XH, khắc phục bất bình đẳng về thu nhập và chống tham nhũng…
Đây cũng là thông điệp tích cực để củng cố lòng tin của nhân dân vào hệ thống tài chính-tiền tệ của đất nước. Cho dù kinh tế nước ta đang ở trong tình cảnh khó khăn nhưng vẫn còn đó nhiều điểm sáng: Việt Nam vẫn đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo lẫn cà phê, trong 5 tháng đầu năm nay tổng vốn FDI đăng ký vào nước ta đạt đến con số kỷ lục là 15,3 tỷ USD (tăng 134,1% so với cùng kỳ năm 2007) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài hơn 600 triệu USD… Báo cáo của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) vào đầu tháng 6-2008 cũng rất lạc quan: từ đầu năm đến nay, cán cân ngoại hối của Viêït Nam vẫn là con số dương!
Rõ ràng, kỷ cương và minh bạch là hai yếu tố không thể thiếu để thiết lập niềm tin, nền tảng để giành thắng lợi ở những “cuộc chiến” chống đói nghèo, lạc hậu, tham nhũng… Niềm tin có thể quyết định đến 50% khả năng thành công, còn theo Jonathan Pincus, kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại VN thì uy tín và niềm tin còn chiếm tới 90% khả năng thành bại trong kinh tế vĩ mô! Đất nước ta vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan như đã nói trên, vấn đề còn lại là Chính phủ và các bộ ngành cần phải mạnh tay, rõ ràng và quyết đoán hơn nữa trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp cắt giảm đầu tư và chi tiêu công, quản chặt tiền tệ… thì mới có thể nâng cao niềm tin cho người dân, từ đó lành mạnh hóa được các hoạt động tài chính, đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung.
HOÀNG LIÊM