Nỗ lực xây dựng hình ảnh người công nhân ngành điện thành phố

Năm 2020, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vinh dự nhận giải “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC khẳng định EVNHCMC rất chú trọng đầu tư chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành điện, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Trong quá trình đó, xây dựng nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt.
Đồng chí Phạm Quốc Bảo thăm hỏi, động viên công nhân thi công trạm biến áp
Đồng chí Phạm Quốc Bảo thăm hỏi, động viên công nhân thi công trạm biến áp

° Chuyển đổi số là một hành trình đòi hỏi tổ chức phải có năng lực số tương ứng, đồng chí đánh giá như thế nào về năng lực của đơn vị hiện nay?

° Đồng chí PHẠM QUỐC BẢO: Trong những năm qua, EVNHCMC đã chủ động xây dựng lộ trình và thực hiện số hóa toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn vị cũng thành công trong việc hiện đại hóa hệ thống điện TP, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý vận hành và dịch vụ khách hàng. Cụ thể đã xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm điều khiển được trang bị hệ thống SCADA/DMS hiện đại, là thành phần mang tính cốt lõi, nền tảng của lưới điện thông minh, giúp nâng cao năng lực giám sát, điều khiển và tự động hóa lưới điện toàn TP.

EVNHCMC đã hoàn thành số hóa lưới điện trên nền bản đồ GIS, hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa cho 770/770 tuyến dây lưới điện trung thế thông qua hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng chuyên biệt. Đồng thời đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống lưới điện vận hành tự động hóa hoàn toàn cho khoảng 240 tuyến dây công cộng.

Hệ thống này có chức năng tự động phát hiện, cô lập sự cố và tái lập cung cấp điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, 100% các trạm biến áp 110/220kV đã được chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực/điều khiển từ xa… Năm 2020, EVNHCMC cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu hiện đại, là hạ tầng nền tảng cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của EVNHCMC. 

Như vậy, dù chặng đường phía trước còn rất khó khăn nhưng về cơ bản EVNHCMC có đủ năng lực để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.

° Khách hàng được lợi gì khi ngành điện số hóa toàn diện?

° Mọi nỗ lực của ngành điện đều hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Trước hết mức độ tự động hóa cao trong khâu quản lý vận hành đã giúp EVNHCMC không ngừng nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện. Số lần mất điện bình quân 1 khách hàng trong năm đã giảm từ 6,72 lần (năm 2015) xuống còn 0,59 lần (năm 2020). Tương ứng, thời gian mất điện bình quân 1 khách hàng giảm từ 720 phút (năm 2015) xuống còn 44 phút (năm 2020) và là một trong số ít các đơn vị đạt 8/8 điểm kỹ thuật theo thang điểm đánh giá của Doing Business. Tổn thất điện năng: giảm sâu từ 4,66% (năm 2015) xuống 3,41% (năm 2020), về đích sớm 1 năm so với chỉ tiêu giao giai đoạn 2016-2020.

Nỗ lực xây dựng hình ảnh người công nhân ngành điện thành phố ảnh 1 Trung tâm điều khiển hệ thống điện từ xa của EVNHCMC

Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã cung cấp đến khách hàng 19/19 loại hình dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 thông qua các kênh kết nối hiện đại. Kết quả cho thấy chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng TPHCM đã tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực, đồng thời chất lượng dịch vụ qua ghi nhận chỉ số sự hài lòng của khách hàng không ngừng được nâng cao. Kết quả tích cực đó là động lực để EVNHCMC đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cho mọi hoạt động, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số.

° EVNHCMC chuẩn bị gì về nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu nói trên, thưa đồng chí?

° Chương trình phát triển nguồn nhân lực của EVNHCMC giai đoạn 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. EVNHCMC đã đạt chỉ tiêu về đào tạo cho toàn bộ CB-CNV với thời lượng 40 giờ đào tạo/người/năm. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ sư chuyên nghiệp của ASEAN; đào tạo và nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân…

Tính đến nay, EVNHCMC đã có 148 chuyên gia được công nhận là kỹ sư ASEAN (trong tổng số 322 kỹ sư ASEAN của cả nước), 220 công nhân lành nghề và 17 kỹ sư/cử nhân tài năng đã được EVNHCMC công nhận. Bên cạnh đó, EVNHCMC đã cử 25 ứng viên tham gia chương trình phát triển chuyên gia của tập đoàn. EVNHCMC đã phát triển được 16 đội sửa chữa đường dây đang mang điện, đáp ứng cho tất cả 16 công ty điện lực khu vực.

Hiện nay, EVNHCMC đã hoàn tất việc đào tạo, huấn luyện đội thi công sửa chữa đường dây mang điện cấp điện áp đến 110kV để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đây là đội sửa chữa đường dây đang mang điện 110kV đầu tiên trong các tổng công ty điện lực của cả nước.

Đặc biệt, để khuyến khích động viên người lao động phát triển năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, EVNHCMC luôn có chế độ đãi ngộ người có chuyên môn giỏi. Từ đó, nhiều cá nhân tiêu biểu đã được tuyên dương qua các Đại hội Thi đua yêu nước các cấp. Đặc biệt, anh Trương Thái Sơn vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020. Đó là những gương sáng đã góp phần xây dựng nên hình ảnh ngành điện văn minh, hết lòng phục vụ người dân.

Yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi số chính là con người. Tổng công ty xác định “Chuyển đổi số trước tiên cần chuyển đổi nhận thức”. Vì vậy, trong phương châm hành động của EVNHCMC giai đoạn 2020-2025, thành tố “chuyên nghiệp” được đặt lên hàng đầu. Tính chuyên nghiệp phải thể hiện toàn diện từ đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, văn hóa ứng xử đối với công việc, khách hàng, đồng nghiệp...

Đặc biệt, phải chuyển đổi nhận thức để phù hợp với quá trình chuyển đổi số của EVNHCMC. Mỗi cán bộ công nhân viên EVNHCMC phải thể hiện sự chuyên nghiệp đúng với vị trí công tác của mình. Tất cả nhằm xây dựng hình ảnh “Người công nhân ngành điện thành phố mang tên Bác” trong kỷ nguyên chuyển đổi số toàn diện của quốc gia.

Tin cùng chuyên mục