Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy lớn, trong đó có những đám cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, gần đây nhất là vụ cháy cửa hàng bán bếp từ Tân Phú Gia ở đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) làm chết 4 người vào sáng 10-6. Đáng chú ý, trong số các vụ cháy mà lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) trực tiếp chữa cháy, xử lý và có kết quả điều tra thì có tới 60% là do vi phạm an toàn khi sử dụng điện và các sự cố liên quan đến điện. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ quan, đơn vị quản lý, nhất là người dân trong việc sử dụng điện, đầu tư các trang thiết bị điện và ý thức đề phòng điện giật, chập điện.
Năm nay nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng, kéo dài, dẫn tới việc sử dụng thiết bị điện với công suất tối đa cũng thường xuyên, liên tục trong thời gian dài. Các cơ quan chức năng cho biết, hầu hết sự cố cháy do điện là do nghẽn mạch điện, rò rỉ điện hoặc quá tải; đường dây dẫn điện cũ, nhất là ở các chung cư cũ hay khu dân cư chật hẹp, lâu ngày không kiểm tra, thay thế... Thậm chí thời tiết đang hanh khô bỗng đột ngột đổ mưa, khi nước mưa theo dòng chảy xuống các mấu nối trên đường dây điện cũng gây chập điện, hoặc khi thời tiết đang mát chuyển sang oi bức đột ngột, người dân sử dụng điện đột biến cũng dẫn đến quá tải và chập cháy.
Qua điều tra các vụ cháy do chập điện, cơ quan PCCC cảnh báo, hiện nay nhiều công trình điện, các thiết bị điện kém chất lượng đang được sử dụng khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Ngay từ đầu, việc thi công, giám sát, lắp đặt hệ thống mạng điện ở nhiều gia đình, công trình điện công cộng rất cẩu thả, sơ sài, bỏ qua những quy định nghiêm ngặt về điện. Nhiều hộ gia đình chưa có khái niệm hoặc chú trọng đúng mức đến việc lắp đặt thiết bị tự ngắt điện như cầu dao chống giật tự động, cầu chì đủ tiêu chuẩn, nối dây âm thiết bị điện…
Theo thống kê, toàn TP hiện chỉ có 5 phường, 53 khu phố thực sự đạt độ an toàn về phòng cháy chữa cháy - một tỷ lệ rất nhỏ nhưng nỗi lo vô cùng lớn. Kiểm tra cho thấy có nhiều gia đình tự câu nối dây điện ngang dọc, tiết diện dây nhỏ, đấu nối điện sơ sài, thậm chí vắt ngang qua mái tôn nhà. Trong khi đó, đường vào các khu dân cư cũ thường chật hẹp, có nơi hẻm sâu đến vài trăm mét, không đủ chỗ cho xe cứu hỏa vào, cũng không gần trạm cung cấp nước chữa cháy. Ngay cả những chung cư mới xây cách đây vài năm, hệ thống báo khói, báo cháy, máy phun nước trong căn hộ, máy bơm, trụ nước chữa cháy không thể hoạt động tốt khi xảy ra sự cố.
Trong hầu hết những vụ cháy lớn do chập điện ở những cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, chợ, trung tâm thương mại đều có nguyên nhân chủ quan, thiếu ý thức trách nhiệm của người sử dụng điện và người quản lý. Nhiều nơi, người đứng đầu đơn vị chưa thật sự quan tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành về PCCC. Chưa thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC của nhân viên hay chú trọng đến huấn luyện nghiệp vụ, thực tập chữa cháy trong các tình huống cháy đặc trưng tại cơ sở; chưa đầu tư đúng mức các phương tiện chữa cháy tại chỗ và thiếu kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị chữa cháy.
Đáng chú ý là nhiều vụ cháy xảy ra ban ngày, dù được phát hiện sớm nhưng lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, còn khá lúng túng khi ngăn đám cháy lan, nhất là ở nhưng nơi chật hẹp, nhiều nhà thô sơ liền kề, có gió to, xa nguồn nước…
Để thực hiện công tác phòng, chống cháy nổ do chập điện, bài học chỉ ra rằng, người dân nên tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về an toàn PCCC; thường xuyên kiểm tra, bảo trì định kỳ các thiết bị sử dụng điện; không để đồ đạc dễ cháy gần nguồn điện dễ phát sinh cháy như bóng điện, ổ cắm, cầu dao, đèn neon; không sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; ngắt cầu dao tổng khi đi ra khỏi nhà trong thời gian dài.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng điện, mọi gia đình nên tự trang bị các phương tiện phòng cháy như bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy, báo cháy trong nhà, báo khói, đồng thời ngành điện thường xuyên kiểm tra đường dây và thay mới đường dây điện quá cũ, nhất là tại các khu tái định cư, các xóm trọ, chung cư xuống cấp.
Mặt khác, các cơ quan chức năng như PCCC, ngành điện cùng chính quyền cơ sở nên thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, hướng dẫn cách ứng phó, xử lý sự cố chập điện và cứu người khi bị điện giật; thay mới những đường dây điện không đủ công suất hay đã quá cũ, bị bong tróc.
Với phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, việc chấp hành đầy đủ các quy định về phòng chống cháy nổ do chập điện và luôn nêu cao ý thức cảnh giác của mỗi người trong sử dụng điện là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của chính mình, gia đình mình và của mọi người xung quanh.
TUẤN SƠN