Nỗi buồn môn Sử

Có 2 sự kiện tuần qua thu hút sự chú ý chung: Một ở bên trời Tây với cảnh phấn khích kỷ niệm 40 năm ngày xuất hiện chiếc điện thoại di động đầu tiên và một ở ta khi tất cả thẩn thờ ngắm sân Trường THPT Nguyễn Hiền ở TPHCM ngập trắng đề cương thi môn Sử bị xé nát được quay qua chiếc di động thông minh và phát tán trên các trang mạng xã hội. Phải nói là tìm một đường dây kết nối 2 vụ việc này không đơn giản vì chúng ta đang sống trong một thế giới “ảo” mà như “thật” và “thật” như “ảo” sau các phát minh làm thay đổi hẳn cuộc sống.

Nhưng có một sự thật là chỉ có các nhà văn và nhà sử học - những người có chức trách vun đắp, bồi dưỡng nhân cách - là không mấy hào hứng với chuyện phát minh ra chiếc điện thoại di động vì các tiểu thuyết được trao giải lớn nhất trên thế giới trong năm qua đều viết về quá khứ, đều mang đậm chất “khảo cổ” và không hề có bóng dáng hơi thở mạng không dây thời nay. Có lẽ họ khó tìm và tưởng tượng ra nhân vật trong tương tác facebook và google khi các mối giao tiếp trong đời thật được truyền tải gọn lỏn qua ngôn ngữ SMS. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, học sinh bây giờ lại thực tế hơn bao giờ hết, chúng rất khó tìm ra những giá trị thật trong hoài niệm, trong những mảnh vỡ của lịch sử.

Và ai sẽ gắn kết chúng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai? Thực tình mà nói câu hỏi còn bỏ ngỏ khi không ai đứng ra nhận trách nhiệm trong một môn học mà ai cũng nói “dân ta phải biết sử ta” như lời dạy của Bác Hồ. Rất nhiều học sinh các cấp phổ thông ta thán chương trình học chán ngắt với ngày tháng phải nhớ, với những sự kiện khô khan mà lẽ ra những người viết sách giáo khoa môn Sử phải thổi hồn cho sống dậy lịch sử oai hùng của một dân tộc có bề dày hàng ngàn năm.

Và vụ việc Trường THPT Nguyễn Hiền một lần nữa cho thấy cách ứng xử với lịch sử của tất cả chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng.

Thứ nhất, khoan nói chuyện cách xử sự kém văn hóa của một bộ phận học sinh, các chuyên gia hàng đầu của chúng ta trong các lãnh vực có dính dáng tới lịch sử cũng có lỗi không nhỏ khi không thể truyền tải sự say mê với lịch sử đất nước. Sách giáo khoa thiếu sự liên thông từ lớp 1 đến lớp 12 và cách diễn đạt, trình bày ở mức… không ai muốn đọc, còn phim ảnh thì tra tấn với nội dung và trang phục nửa Tàu, nửa Hàn, cổ trang không ra cổ trang, tân trang không ra tân trang. Và còn gì đọng lại khi các kênh truyền hình cả ngày lẫn đêm chỉ phát độc các phim bộ của Trung Quốc và Hàn Quốc?

Thứ hai, chúng ta đã nói quá nhiều về quan điểm và triết lý giáo dục, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn giẫm chân tại chỗ với cách dạy và học chỉ hướng vào thi và thi. Lớp 1 thì học chữ trước để đi thi cho chắc, lên lớp 9 phải cắm đầu học thêm 3 môn để thi bằng được vào trường điểm và đến lớp 12 lại bù đầu học thi 2 kỳ. Và theo quan điểm của nhiều trường, kỳ thi tốt nghiệp THPT là quan trọng hơn cả với tiêu chí phải đạt 100% tốt nghiệp để giữ “thương hiệu” trường, cho nên đến cuối tháng 3 - khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi - thì cảnh đốt, xé sách giáo khoa và đề cương các môn không thi là chuyện thường, không lạ ở nhiều trường.

Thứ ba, lạ hơn cả là đã thi thì phải thi cho đã, thi cho hết các môn học ở trường phổ thông, nhưng Bộ GD-ĐT lại chọn con số 6 môn thi và cho “bốc thăm” các môn thi giống như bốc thăm chia bảng bóng đá cho nó “khách quan”. Điều đó lý giải tại sao môn Sử - đối thủ đáng sợ nhất - của giáo dục nhiều năm qua lại không được chọn thi trong năm nay.

Còn nhiều điều đáng nói nữa qua sự cố môn Sử bị đối xử không mấy nhã nhặn thời gian qua. Và thật sự không riêng nỗi buồn môn Sử mà môn nào cũng đều có “tâm trạng” một khi chúng ta không triệt để cải cách giáo dục từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình học, sách giáo khoa đến tạo dựng một môi trường giáo dục thật sự thân thiện, trong sáng… để thấy rằng một khi “bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ đáp trả bằng đại bác”.  

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục