Nỗi đau mang tên sách lậu

Nhận được từ một đối tác tại Việt Nam cuốn sách in lậu một tác phẩm nổi tiếng của mình, doanh nhân đồng thời là một tác gia nổi tiếng T.Harv Eker cực kỳ phẫn nộ. Sự phẫn nộ của ông không đến từ việc vi phạm bản quyền, cũng không phải ở chất lượng tệ hại của bản in mà từ một điều không thể chấp nhận được: bản sách lậu được bán công khai, phổ biến trên thị trường với giá còn cao hơn cả sách thật.

Mang theo sự phẫn nộ đó đến Nhà xuất bản (NXB) HaperCollins, nơi chịu trách nhiệm liên kết với đối tác Việt Nam, ông yêu cầu NXB phải có các biện pháp mạnh, thậm chí là xem xét đến việc dừng các hoạt động hợp tác với thị trường Việt Nam đến khi nào việc ngăn chặn sách lậu có tín hiệu lạc quan hơn.

Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cụ thể ở đây là Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News, đối tác xuất bản cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) của T.Harv Eker ở Việt Nam thì họ chỉ bất ngờ trước sự phẫn nộ của tác giả và cảnh báo về việc dừng giao dịch của NXB.

Còn về việc sách lậu thì như chính đơn vị này cho biết, ngay từ khi sách thật có mặt trên thị trường thì sách lậu cũng đã có theo và đã nhiều lần đơn vị cùng các cơ quan chức năng phát hiện các điểm in ấn, đóng xén hay bàn bán những cuốn sách lậu như trên và cho đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí có phần phổ biến hơn.

Câu chuyện nêu trên thực tế chỉ giúp nhắc nhở dư luận bạn đọc về một tình trạng tiêu cực đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua trong thị trường sách Việt Nam. Đối với những người làm sách, quản lý thị trường sách thì câu chuyện này chẳng có gì đáng để nhắc đến. Sách lậu từ lâu đã trở thành một căn bệnh nan y của thị trường sách trong nước, sách lậu phá hỏng các kế hoạch đầu tư làm sách của doanh nghiệp chân chính, sách lậu lũng đoạn các NXB yếu kém, sách lậu góp phần đưa ra thị trường vô số các đầu sách kém không chỉ về chất lượng hiển thị mà cả phản cảm về nội dung.

Thế nhưng, căn bệnh nan y của thị trường sách này cho đến nay vẫn chưa có thuốc trị và dĩ nhiên bệnh càng ngày càng nặng. Trong các cuộc tọa đàm, hội thảo bàn về việc chấn chỉnh công tác xuất bản, hầu như chẳng mấy ai bàn về sách lậu cùng các biện pháp ngăn chặn. Chẳng phải sách lậu đã bớt, càng không phải vấn đề sách lậu đã giảm, chỉ đơn giản như một giám đốc NXB phía Bắc cho biết sách lậu bàn chỉ để cho có, bàn thế chứ bàn nữa thì cũng chẳng giải quyết được gì, chẳng thà phải dành thời gian cho những thứ khác sẽ thiết thực hơn.

Chuyện sách lậu càng trở nên u ám hơn khi cuối 2014 đầu 2015 vụ First News khởi kiện bất thành một nhà in bị bắt quả tang in lậu. Hàng chục ngày cuốn sách lậu bị bắt khi đang trong các công đoạn hoàn thiện ấy thế mà nhà in chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng. Khả năng của nhà in này không thể in rất nhiều bản trong số sách đang hoàn thiện nhưng chẳng ai quan tâm các bản in đó đến từ đâu.

Hàng chục ngàn bản sách không phải là số tiền nhỏ nhưng cũng chẳng ai quan tâm số sách đó do ai đặt làm, họ vui vẻ chấp nhận cái lý do của chủ nhà in rằng người ta đặt làm qua điện thoại nên không biết là ai?! Cả trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng được đặt hàng rất đơn giản như vậy, không biết thanh toán thế nào, không biết chủ hàng là ai… Thế là xong, nhà in lại tiếp tục quay lại công việc, mọi chuyện lại quay về như cũ, chỉ có doanh nghiệp làm sách là đau lòng khi sách của mình bị in lậu tiếp tục xuất hiện tràn lan khắp nơi.

Nhưng nếu nói rằng tất cả đều buông tay trước sách lậu thì cũng không đúng, không có chỗ dựa, luật pháp chưa thật sự có ảnh hưởng tích cực đến việc ngăn chặn sách lậu thì mỗi đơn vị tự tìm cho mình con đường tồn tại trước căn bệnh nan y này. Biện pháp tiêu cực thì thỏa hiệp, nhiều doanh nghiệp, NXB chấp nhận thương lượng, năn nỉ các đầu nậu in sách lậu nới lỏng thời gian đưa sách lậu ra thị trường để sách mình có thời gian thu hồi vốn.

Nhiều đơn vị thì làm lơ theo kiểu “sống chung với lũ” cắn răng sách mình mình cứ làm, sách lậu kệ sách lậu. Một số NXB lớn thì lựa chọn một biện pháp căn cơ hơn, họ tìm cách nâng cao chất lượng sách, nâng cao các dịch vụ đi kèm với sách… tóm lại là họ làm mọi cách để sách của đơn vị mình ngày càng khó bị in lậu hoặc là nếu bị in lậu thì sẽ không thể có các dịch vụ ưu đãi bạn đọc và kết quả là bạn đọc sẽ chủ động tìm sách thật để mua.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp chỉ là chữa phần ngọn mà bỏ phần rễ. Sách lậu không phải đến từ trên trời mà nảy sinh từ chính trong lòng thị trường sách. Sách lậu chia sẻ những thành tựu kỹ thuật về in ấn như sách thật, có khi còn được in từ chính các nhà in đã từng in sách thật. Câu chuyện về tem chống giả một thời chính là bài học nhãn tiền khi một số NXB làm tem chống giả dán lên sách, thế nhưng sách lậu cũng có tem chống giả chất lượng tương đương. Mọi biện pháp ngăn từ ngọn như thế sẽ khó có hiệu quả khi mà lợi nhuận từ sách lậu có thể che mờ mọi thứ.

Thực ra chống sách lậu cũng không hẳn là một việc khó khăn đến như thế. Bài học chống sách lậu của các nước trên thế giới hay gần hơn là các nước xung quanh ta đều cho thấy một đáp án chung: tính nghiêm minh của pháp luật. Chỉ cần pháp luật nghiêm minh, xử phạt đúng người, đúng tội, kiên quyết với các hành vi vi phạm pháp luật về xuất bản thì dần dần sách lậu sẽ bị quét sạch khỏi thị trường sách.

Chỉ tiếc rằng cho đến nay, thị trường sách trong nước vẫn thiếu đi sự cương quyết cần có trong cuộc chiến chống sách lậu và hệ quả là nhà nước thất thu ngân sách, doanh nghiệp khốn đốn và bạn đọc thì chịu hậu quả cuối cùng khi mất đi những đầu sách hay, những cuốn sách tốt.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục