Như có một luồng sinh khí mới lan tỏa vào đời sống xã hội vào dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ thông điệp rõ ràng trước giới doanh nhân: Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Xóa bỏ những rào cản, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nhằm giải phóng sức sản xuất và thống nhất ý chí phát triển đất nước. Doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước mới hùng cường…
Có thể nói việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ chủ trì hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển của đất nước” là rất đúng thời điểm, để giải đáp câu hỏi: Vì sao chúng ta đã nỗ lực nhiều, hành động nhiều nhưng môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển? Hơn thế nữa hàng loạt vấn đề cấp bách đang phát sinh nóng bỏng trong nền kinh tế: Làn sóng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đến nay vẫn chưa có điểm dừng. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 42% doanh nghiệp có lãi, 58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn - là điều bất thường, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh quá nhiều khó khăn. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp qua đi, và nước ta đang đứng trước viễn cảnh chưa giàu đã già. Hội nhập đang mang lại cơ hội to lớn, tạo lực đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng ở chiều ngược lại cho thấy thị trường 90 triệu dân đang trở thành địa bàn tiêu thụ sản phẩm các nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi đội ngũ doanh nhân là lực lượng tiên phong xây dựng đất nước, Chính phủ phải lắng nghe, phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế. Tất cả đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường…) và cơ hội kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh: Nhà nước phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ các quy định; nhận khó khăn về phía cơ quan nhà nước theo tinh thần Nhà nước kiến tạo phát triển; cung cấp các dịch vụ theo hướng xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Xử lý nghiêm việc tùy tiện hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Quan điểm này thống nhất với nội dung Nghị quyết số 19/2016 (lần thứ ba trong 3 năm qua) của Chính phủ vừa mới ban hành, về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Trước vấn nạn doanh nghiệp phải lặn ngụp với hơn 6.000 giấy phép con mà trong 16 năm qua Chính phủ yêu cầu loại bỏ lại càng gia tăng thêm; tạo môi trường đầu tư không minh bạch để dễ “đi đêm, quan hệ ngầm”; gánh nặng chi phí không chính thức bào mòn lợi nhuận, làm doanh nghiệp không “lớn” được… Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 3 ngày theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp…
Có thể nói những động thái nêu trên là lời nói không với tệ vô cảm và nạn nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, đã tồn tại từ lâu, làm kéo lùi chủ trương Đổi mới và công cuộc phát triển kinh tế. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không gì khác hơn là phải tuyên chiến với tệ nạn này; xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Không làm được việc này thì dù chủ trương tốt đẹp đến đâu cũng bị biến dạng trong đời sống thực tế. Bởi lẽ, những người thực thi chỉ chăm chăm vào việc làm khó doanh nghiệp để kiếm chác, hưởng lợi riêng, không vì sự sống còn của doanh nghiệp nước nhà, không vì công cuộc phát triển kinh tế.
Mục tiêu của các Nghị quyết 19 Chính phủ ban hành những năm qua là hoàn toàn đúng đắn, đầy tham vọng nhưng sự chuyển biến chưa được lượng định rõ nét. Con số điều tra mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra thật nhức nhối: Các khoản thuế, phí ở Việt Nam đang chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp - mức cao nhất trong khu vực. Gánh nặng chi phí ngầm đang làm rệu rã các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp ngày càng thu hẹp hoạt động, cả về quy mô kinh doanh, sử dụng lao động, kim ngạch xuất khẩu… Để tiến tới một cuộc “đảo chiều” ngoạn mục, Nghị quyết số 19/2016 đề ra mục tiêu: Chính phủ phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế. Để làm được điều này phải có một sự tổng rà soát từ phía các cơ quan công quyền; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ vô cảm, nhũng nhiễu, người thực thi công vụ phải quán triệt phương châm “điều gì có lợi cho dân thì làm”, hành xử một cách minh bạch và liêm chính.
Đại hội lần thứ XII của Đảng lần đầu tiên xác định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia và sau cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nhân, niềm tin và khí thế mới đang dấy lên trong cộng đồng doanh nghiệp. Mong rằng lực lượng doanh nghiệp nước nhà - người lãnh ấn tiên phong trong công cuộc phát triển, sẽ tỏ rõ tầm vóc, trí tuệ của mình trong việc góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp, phồn vinh.
LÊ TIỀN TUYẾN