Nông dân cần chiếc cần câu

Tiếp nhận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều người không khỏi nức lòng, hả hê về thành tích vượt trội của ngành nông nghiệp nước nhà năm 2012: Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới; vượt qua Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất; các mặt hàng nông sản khác cũng đứng trong tốp đầu: cao su, hạt tiêu, củ mì… Riêng mặt hàng cá tra xuất khẩu, mặc dù năm nay thị trường Mỹ và châu Âu giảm sút do suy giảm kinh tế, nhưng dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 6,2 tỷ USD, tương đương với năm 2011.

Thành tích là vậy nhưng có nghịch lý là nông dân lại không phấn khởi, thậm chí đời sống còn khó khăn hơn. Nguyên nhân là khối lượng tăng nhưng giá trị giảm.

Theo Bộ Công thương, năm nay lượng gạo xuất khẩu tăng vọt so với năm trước, đạt 7,7 triệu tấn nhưng giá trị giảm đến 9,1% khiến giá lúa giảm, người dân chưa thu lợi tương xứng với công sức bỏ ra. Mặt hàng cà phê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: Sản lượng cà phê xuất khẩu nước ta liên tục tăng nhưng giá liên tục giảm. Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay rơi xuống mức thấp nhất, khoảng 37.000 đồng/kg. Nếu so với cách đây 3 tháng, mỗi ký cà phê nhân rớt giá đến 4.800 đồng, còn so với thời điểm tháng 7-2011 thì giá rớt đến 15.600 đồng/kg! Nông dân trồng cà phê hiện nay như ngồi trên lửa, cho biết với mức giá này họ lỗ to nhưng phải bán tháo để trả nợ ngân hàng và các chi phí khác, cụt vốn đầu tư cho vụ tới.

Cá tra – mặt hàng đặc sản ĐBSCL, một thời là chiếc phao xóa đói giảm nghèo đối với nông dân vùng sông nước, nay cũng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Nông dân luôn phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất. Năm 2012 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản hoạt động cầm chừng hoặc phá sản do thiếu vốn sản xuất. Hệ quả là nông dân bán lỗ, treo ao, đời sống bấp bênh.

Đến nay Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Kết quả là bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, thu nhập nông dân khá hơn so với trước. Tuy nhiên sự thay đổi này chưa căn cơ và khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do tác động lạm phát cơ bản vẫn còn cao, tốc độ tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp vừa thiếu vốn sản xuất, vừa tồn kho cao. Vì vậy mục tiêu giảm nghèo ở nước ta càng khó khăn hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, trong 10 triệu hộ gia đình thoát nghèo trong thập kỷ qua, nhiều hộ có mức thu nhập chỉ nhỉnh hơn chuẩn nghèo một chút và rất dễ bị tái nghèo! Đáng báo động hơn, theo chuẩn nghèo mới của WB, tỷ lệ nghèo của Việt Nam cao hơn gấp đôi so với báo cáo chính thức nước ta là 10% năm 2012. Tỷ lệ nghèo còn rất cao ở một số vùng như Tây Bắc (60%), Đông Bắc (38%), Tây Nguyên (33%)…

Theo định hướng của Nhà nước, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cần được tập trung đầu tư vốn để phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Có tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… mới tác động tích cực đến sản xuất, lưu thông hàng hóa; mới tạo việc làm tại chỗ, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Dù vậy, trên thực tế khu vực nông nghiệp nông thôn hiện nay vẫn chưa được chú ý đầu tư đúng mức, nguồn vốn đến nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp. Có giải được bài toán này nông dân mới có “cần câu” thay vì nhận được “con cá”, sống đắp đổi chưa được cải thiện căn cơ.

Tại một cuộc hội thảo mới đây, GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, đã phát biểu: “Muốn nền kinh tế phát triển, nhất thiết phải có cơ chế để người nông dân khá lên. Bởi khi đó, sức mua của nông dân mạnh sẽ kích khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển, tạo đầu ra sản phẩm, làm cả mặt bằng nền kinh tế tăng theo”.

Điều trớ trêu nền nông nghiệp nước ta là dù Việt Nam đạt sản lượng cao nhiều mặt hàng (gạo, cà phê) hoặc gần như độc quyền về sản phẩm cung ứng ra thế giới (cá tra) nhưng chưa bao giờ ta được ở kèo trên, được làm giá, dẫn dắt thị trường. Để hóa giải điều này cần phân tích thấu đáo, đưa ra giải pháp phù hợp để vực dậy sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy việc hỗ trợ vốn không tính lãi để tạm trữ lúa gạo, cà phê… là giải pháp tình thế, người nông dân không được hưởng gì. Cần có cơ chế hỗ trợ trực tiếp vốn để nông dân tự chủ sản xuất kinh doanh, làm giàu chính trên mảnh đất của mình – là cần câu cơm giúp họ có đời sống căn cơ, thoát cảnh bấp bênh vô định. 

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục